Tin địa phương

Đề xuất xây cao tốc nối với cảng Trần Đề: Đừng vội

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng phải cân nhắc thật kỹ, không nên vội vàng.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT mới đây, Giám đốc Sở GTVT An Giang đã đề xuất sớm xây dựng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng với tổng chiều dài 200km đã khái toán tổng mức đầu tư trên 29.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ủng hộ chủ trương xây dựng cao tốc nói trên và cho biết, khi tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng hoàn thành sẽ nối với cảng biển quốc tế Trần Đề thành trục đường vận chuyển hàng hóa quan trọng cho ĐBSCL cũng như vận chuyển hàng hóa đến Campuchia và ngược lại.

Về đề xuất xây dựng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đề nghị phải cân nhắc thật kỹ, đặc biệt là về tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án.

TS Lê Văn Bảy, chuyên gia logistics, cho biết, đối với những con đường khác nhau (chẳng hạn đất cứng, đất mềm) thì phương án đề bù, giải tỏa khác nhau. ĐBSCL, về cơ bản, là đất mềm nên khi làm đường thường bám vào đường cũ.

Thế nhưng, từ thực tế có thể thấy cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng sẽ là con đường mới hoàn toàn và TS Bảy băn khoăn khi tuyến đường này hoàn thành, có bao nhiêu xe sẽ đi vì để đi Châu Đốc hay về Sóc Trăng đã có những con đường khác.

Bộ GTVT ủng hộ chủ trương xây cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng nối với cảng Trần Đề. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, vị chuyên gia băn khoăn về tính hiệu quả của tuyến cao tốc này.

"Về cơ bản, An Giang là tỉnh lúa, họ sẽ xuất khẩu lúa và một ít trái cây, vậy đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng nối cảng Trần Đề có được bao nhiêu xe? Hơn nữa, phải xác định mục tiêu chính của cảng Trần Đề là đề xuất khẩu gạo hay xuất khẩu mặt hàng gì? Nếu không tính toán kỹ sẽ vô cùng lãng phí", TS Lê Văn Bảy nói.

Từ đề xuất làm tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, vị chuyên gia nhắc lại cảng Trần Đề vẫn chỉ đang nằm trên giấy và tính khả thi cũng nó vẫn còn đang gây tranh cãi.

"Nếu chúng ta quá nhiều tiền thì không bàn làm gì, nhưng tiếc thay chúng ta lại đang ở trong tình huống ít tiền, mà đầu tư thì vấn đề đầu tiên bao giờ cũng là tiền đâu?

Tại sao đa phần các công trình ở Việt Nam đều bị đội vốn? Là vì các công trình đều đầu tư theo kiểu "tiền để mai tính", cứ vừa làm vừa tìm vốn, vốn cũ đã bỏ ra mà công trình mãi không hoàn thành, không đưa vào khai thác được, làm cho vốn bị đội lên.

Lãnh đạo địa phương nào cũng muốn đầu tư, phát triển địa phương mình, mong có công trình để đời nhưng phải có tầm nhìn xa và điều quan trọng là phải tính tới tính khả thi và hiệu quả của nó", TS Lê Văn Bảy lưu ý.

Trong khi đó, dù cho rằng cần thiết phải xây dựng cảng nước sâu Trần Đề nhưng Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Chi hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP.HCM cũng bày tỏ việc xây dựng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng phải được bàn thật kỹ, không nên vội vàng.

Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chi hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP.HCM đã đề xuất xây dựng cảng Trần Đề vì nó có điều kiện để xây dựng, tuy hẹp nhưng nếu được đầu tư thì có thể trở thành con đường hàng hải tốt. Riêng về cao tốc nối với cảng Trần Đề như đề xuất của tỉnh An Giang thì ông không ủng hộ bởi tốn kém.

"Tại sao ở Việt Nam lúc nào cũng thích đường cao tốc? ĐBSCL đang bị lún, hơn nữa tuyến đường sông, biển rất thuận lợi, sao chúng ta không lợi dụng thiên nhiên ưu đãi, sông Tiền, sông Hậu và biết bao nhiêu nhánh sông phụ thuộc vào hai con sông lớn đó? Tư duy sông biển cần phải thay đổi chỗ này", ông Lâm nói.

Phân tích cụ thể, Chủ tịch Chi hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP.HCM chỉ ra rằng, một chuyến tàu biển biển 1.000 tấn đã bằng hàng ngàn chuyến xe container 20-30 tấn, khối lượng vận chuyển nhiều hơn, thời gian rút ngắn hơn trong khi đầu tư ít tiền hơn. Đó là chưa tính chuyện duy tu đường bộ cao tốc tốn kém khi vài năm phải duy tu một lần.

Cũng theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) chỉ ra rằng, trong 25 năm (1991 - 2015), ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18 cm, có những nơi sụt lún 2,5 cm/năm, cao hơn gần 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Nghiên cứu dự báo hiện tượng sụt lún mặt đất, mất phù sa, nước biển dâng... sẽ khiến gần như toàn bộ ĐBSCL chìm dưới mặt nước biển vào năm 2100. Các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu cũng đã cảnh báo nhiều về nguy cơ này, vậy nên cần phải nhìn toàn diện, cân nhắc thật kỹ với đề xuất xây cao tốc.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP