Số hóa

Cuộc chiến smartphone cao cấp nóng trở lại

Nhiều mẫu smartphone đắt tiền được giới thiệu tại Việt Nam, sân chơi flagship không còn chỉ là của Samsung, Apple.

Phân khúc cao cấp tại Việt Nam bị thống trị bởi Apple, Samsung trong nhiều năm qua. Có giai đoạn, ngoài hai thương hiệu này, người dùng không có lựa chọn flagship chính hãng của công ty khác.

Đến 2022, nhiều thương hiệu Trung Quốc, chủ yếu kinh doanh dòng máy tầm trung, bắt đầu thâm nhập sâu hơn vào phân khúc điện thoại đắt tiền.

Nhiều smartphone đắt tiền được giới thiệu

Trong giai đoạn đầu của thị trường di động Việt Nam, phân khúc điện thoại cao cấp rất sôi động với sự hiện diện của Samsung, Apple, Sony, HTC, LG… Tuy nhiên, sự đi xuống của Sony, LG, HTC khiến phân khúc này gần như chỉ còn sự hiện diện của sản phẩm Samsung, Apple.

Nửa đầu 2022 chứng kiến sự trỗi dậy của các thương hiệu mới ở phân khúc cao cấp. Xiaomi, Vivo, Asus, Oppo, Asus, ZTE giới thiệu những mẫu điện thoại đắt tiền hơn, người dùng trong nước có thêm lựa chọn.

Ngoài Samsung và Apple, người dùng trong nước có các lựa chọn khác ở phân khúc cao cấp.

Hiện tại, phân khúc smartphone cao cấp tại Việt Nam có sự hiện diện của 8 dòng sản phẩm gồm iPhone 13 series, Galaxy S22 series, Xiaomi Mi 12, Find X5 Pro, Vivo X80, Asus ROG Phone 5, Nubia Red Magic, Sony Xperia I. Đa phần thiết bị nêu trên được phân phối rộng rãi qua các đại lý lớn trong nước.

So sánh với giai đoạn 2017-2019, tại Việt Nam chỉ có 3 dòng flagship người dùng có thể chọn, đến từ Samsung, Huawei, Apple. Hiện tại, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn ở phân khúc điện thoại đắt tiền.

Trong đó, bộ 3 smartphone cao cấp của Xiaomi, Vivo, Oppo được đánh giá cao bởi việc có các thông số phần cứng và chất lượng chế tác tốt. Ngoài ra, những sản phẩm này còn phát triển tính năng camera, tạo ra điểm nhấn riêng, cạnh tranh cùng Samsung, Apple.

Vivo và Oppo trang bị thêm con chip xử lý hình ảnh riêng cho camera khi giới hạn vật lý khiến việc làm cảm biến ảnh lớn hoặc mở rộng ống kính khó khăn. Ngoài ra, các thương hiệu này còn hợp tác với những thương hiệu nhiếp ảnh lớn như Zeiss, Hasselblad.

Trong buổi ra mắt sản phẩm, đại diện Vivo Việt Nam cho rằng dù mới có 3 năm hợp tác, nhưng “Zeiss cũng là phần quan trọng trong việc hình thành DNA” cho dòng flagship của công ty. Ngoài ra, Vivo, Oppo cũng nhá hàng về phiên bản điện thoại gập, nhằm cạnh tranh với Samsung tại Việt Nam.

Trong khi đó, ROG Phone của Asus hay dòng Red Magic từ Nubia ZTE là những sản phẩm chuyên game, có cấu hình mạnh và các tính năng phụ trợ như đèn LED RGB, phím cảm ứng cạnh, quạt tản nhiệt.

Apple, Samsung vẫn chiếm ưu thế lớn

Có thêm nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao cấp, nhưng thực tế doanh số của nhóm thương hiệu mới không cao. Theo đại diện một nhà bán lẻ lớn tại TP.HCM, những máy này thường được tập trung truyền thông, bán hàng trong thời gian ngắn với quà tặng, giảm giá để thu hút khách đặt trước.

Sau khi qua giai đoạn đặt hàng, cả sức mua và sự đầu tư của nhãn hàng đều giảm. Ngoài ra, giá bán niêm yết của các dòng máy này cũng cao. Cụ thể, Xiaomi 12 Pro có giá 28 triệu đồng, Vivo X80 Pro giá 30 triệu đồng, Oppo Find X5 Pro giá 33 triệu đồng. Con số này của các thương hiệu Trung Quốc không hề thua kém Galaxy S hay iPhone Pro Max.

Theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường GfK, Apple, Samsung chiếm thị phần lớn smartphone cao cấp tại Việt Nam. Những thương hiệu còn lại chia nhau “miếng bánh” nhỏ.

Theo một quản lý cấp cao của thương hiệu smartphone thuộc nhóm 3 nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Việt Nam, vấn đề của các nhãn hàng đến từ Trung Quốc ngoài thương hiệu còn là thiếu tính năng đặc trưng để gây dấu ấn, tạo sự khác biệt.

Quản lý này cho biết khi bỏ 20 triệu đồng để mua điện thoại ở Việt Nam, người ta sẽ chia thành hai nhóm chính, khách hàng yêu thích công nghệ mới hoặc muốn thể hiện đẳng cấp. "Do vậy sản phẩm muốn bán được phải có USP (Unique Selling Point), điểm độc nhất trên thị trường”, vị quản lý này cho biết.

Hiện tại, các thương hiệu Trung Quốc mới chỉ có KSP (Key Selling Point), chưa đủ để thuyết phục người dùng mua hàng. “Ví dụ như camera 50 MP, màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 8 Gen1. Các điểm này là KSP, nổi bật nhưng hãng nào cũng có. Còn iOS, thương hiệu Táo khuyết hay khả năng gập là USP, thứ thu hút người mua ở mức giá trên 20 triệu đồng”, ông nói thêm.

Trong khi đó, đại diện nhà bán lẻ Thế Giới Di Động cho rằng Xiaomi, Vivo, Oppo cần cố gắng nhiều để có thể cạnh tranh ở phân khúc smartphone cao cấp.

Tác giả: Xuân Sang

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP