Nhân ái

Cụ bà 86 tuổi mong có gạo cho chồng mù và con trai tàn phế

Mặc dù đã 86 tuổi, mắt mờ chân yếu nhưng cụ Nhàn phải chăm chồng mù cùng đứa con trai tàn phế trong cảnh đói rách, thiếu thốn đủ bề.

Qua lời cầu cứu qua điện thoại, chúng tôi tìm về gia đình cụ bà Võ Thị Nhàn (86 tuổi) trú xóm 9, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Trong căn nhà cấp 4 ủ dột, tồi tàn, không có tài sản gì đáng giá, cái đói cái nghèo vây riết lấy những mảnh đời khốn khổ. Không có thức ăn, chẳng có gạo, cụ Nhàn nấu một gói mì tôm chia cho người chồng mù và con trai ăn để qua cơn đói.

Cụ Lự

Hai cụ đã già yếu, sống trong cảnh đói kém, nghèo khổ

Biết có khách đến thăm nhà, cụ ông Phạm Lự (88 tuổi, chồng bà Nhàn) với đôi mắt đã mù, đưa tay lên huơ huơ tìm đường ra chào khách. Còn con trai cụ, anh Phạm Huy Sinh (45 tuổi) chống nạng tập tễnh bước đi trong đau đớn và tuyệt vọng.

Bằng giọng yếu ớt, cụ Nhàn cho biết, năm 1955 chồng cụ đi lính dân công hỏa tuyến ở chiến trường, để một mình vợ vò võ ở nhà chăm con. Đến khi con lớn, lập gia đình xa, cùng cảnh nghèo khó nên cũng không đỡ đần được nhiều cho cha mẹ. Cuộc sống càng đói khổ, bần cùng hơn khi anh Phạm Huy Sinh gặp tai nạn dẫn đến tàn phế, phải nhờ mẹ già chăm sóc.

“Năm 1994 nó đi lính nghĩa vụ xong thì về quê làm thuê cuốc mướn”, cụ Nhàn nhớ lại. Năm 1998, trong một lần anh Sinh vào rừng đốn củi định về bán kiếm tiền, lúc trở ra đứng ở vệ đường đón xe về nhà thì bị một chiếc xe tải mất lái lao tới, chèn qua người khiến anh rơi vào cảnh thập tử nhất sinh.

Cụ Lự

Cụ Lự

Tai nạn thảm khốc khiến anh Sinh, con trai cụ trở thành người tàn phế

Sống ở vùng quê nghèo khó, quanh năm vất vả đói nghèo nên khi tai họa ập đến, hai cụ sợ hãi không biết xoay sở ra sao, vay mượn mãi mới được chút tiền đưa con ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) điều trị.

“Lúc con tôi gặp tai nạn, trong nhà không có tiền, hai cỗ ván gỗ mà tôi dành dụm đóng quan tài cho hai vợ chồng cũng phải bán để chạy chữa cho con nhưng cũng chỉ giữ lại được mạng sống cho nó, chân nó bị cụt, hàng ngày buộc phải dùng thuốc để xoa dịu cơn đau”, người cha mù đau buồn kể lại.

Sau 3 tháng trời rõng rã chạy chữa tại bệnh viện, bên chân phải của anh bị dập nát và nhiễm trùng nặng, bàng quang bị dập vỡ, buộc phải dùng vòi thông tiểu ở bụng và cắt bỏ chân.

Trở về nhà, anh Sinh nằm liệt suốt 2 năm trời. Vợ chồng cụ Nhàn lại ngược xuôi làm thuê, đồng tiền nào kiếm được cũng dồn vào lo thuốc thang cho con trai. Sức người có hạn, làm ra không đủ lo chi tiêu sinh hoạt phí lẫn thuốc thang, gia đình cụ lúc nào cũng thuộc diện hộ nghèo.

Cụ Lự

Đồ dùng trong nhà đều do hàng xóm giúp đỡ mà có

Thấm thoắt đã 20 năm trôi qua, anh Sinh trở nên tàn tật, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người mẹ già cả, ốm đau. Cho đến tận bây giờ anh vẫn thông vòi tiểu ở bụng vì bàng quang vỡ và dùng thuốc giảm đau hàng ngày.

Cũng trong gần hai thập kỷ đó, cụ Nhàn không có nổi một giấc ngủ trọn vẹn khi chăm sóc đứa con tàn tật và nay càng vất vả hơn bởi chồng mình bỗng dưng bị chết dây thần kinh mắt, trở thành người mù vĩnh viễn.

Bước sang tuổi 86, tóc đã bạc trắng và khuôn mặt nhăn nheo, chân tay run rẩy, cụ Nhàn vẫn một mình lo từng miếng ăn giấc ngủ cho cả nhà. Cuộc sống rơi vào bế tắc, đói khổ. Cụ sợ rằng một ngày nào đó mình chết đi, lúc đó sẽ không còn ai chăm sóc chồng con.

Cụ Lự

Cụ Lự mù lòa nhưng vẫn tỉnh táo, thấu hiểu nỗi đau của gia đình

“Tôi không biết mình đi sớm thì sẽ ra sao, chỉ mong có ít gạo dự trữ trong nhà và có chút ít tiền để mua thuốc cho thằng Sinh. Nó đau yếu lắm, nhất là những ngày thời tiết lạnh như thế này”, cụ nấc nghẹn.

Ông Lê Quốc Toản, thôn trưởng thôn 9 cho biết: “Gia đình bà Nhàn thuộc diện hộ nghèo, hai ông bà già yếu, lại phải nuôi thêm đứa con tàn tật, tôi mong mọi người có thể giúp gia đình bà có một cái tết ấm áp, đủ đầy hơn”.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

Cụ bà Võ Thị Nhàn, xóm 9, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. SĐT: 0327647158

Tác giả: Thiện Lương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP