BS Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Tai mũi họng TƯ cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp hóc xương trong khi ăn, phải nhập viện phẫu thuật.
Bệnh nhân đầu tiên là cụ Nguyễn Thị T. (95 tuổi, Hải Hậu, Nam Định), nhập viện do bị hóc xương cá.
Gia đình cho biết, trong bữa cơm, do vừa ăn vừa nói chuyện nên cụ T. bị hóc xương cá. Sau đó cụ T. đã dùng nhiều mẹo dân gian để trôi dị vật nhưng không có kết quả.
Mẩu xương cá được lấy ra khỏi cổ họng cụ bà |
Sau vài hôm, vùng cổ cụ T. đau nhiều lên, đặc biệt mỗi khi nuốt thức ăn, uống nước. Tại phòng khám tư gần nhà, bác sĩ nghi ngờ có dị vật mắc ở cổ họng nên chuyển bệnh nhân lên BV Tai mũi họng TƯ.
Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân có dị vật (xương cá) đâm xuyên từ lòng thực quản ra cổ, bác sĩ phải mở cạnh cổ lấy dị vật.
Trường hợp khác là bệnh nhân Lý Thị P. (59 tuổi, Đà Bắc, Hòa Bình) bị hóc xương gà. Trong lúc cố gặm đầu gà, bà P. không may nuốt luôn mỏ gà và bị hóc ở thực quản.
Bà P. điều trị tại bệnh viện sau khi mở cổ lấy xương gà |
Bác sĩ chỉ định nội soi thực quản ống cứng nhưng không phát hiện ra dị vật, sau đó phải mở cạnh cổ để kiểm tra, phát hiện 3 mảnh xương gà, mảnh dài nhất 3 cm đâm vào thành thực quản.
BS Thắng cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 ca đến khám vì hóc xương, nhiều ca phải phẫu thuật, nằm lại điều trị nhiều ngày.
Hầu hết những vụ hóc xương đều do người dân có thói quen vừa ăn, vừa nói chuyện hoặc cười đùa. Bên cạnh đó, nhiều gia đình giữ thói quen chế biến không loại bỏ xương trước khi nấu.
Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không để ý, nghĩ hóc nhẹ sẽ tự hết sau vài ngày, đến khi sưng đau mới đến bệnh viện khiến thực quản bị nhiễm trùng.
Thông thường, bệnh nhân hóc dị vật sẽ được soi ống cứng kiểm tra, nếu thấy dị vật sẽ gắp luôn. Nếu không thấy, bác sĩ có thể mở cạnh cổ để lấy dị vật, tuy nhiên do cổ họng chứa nhiều mạch máu lớn, vết đâm bị nhiễm trùng, dị vật dễ bị lẫn với gân, cơ nên cần bác sĩ có nhiều kinh nghiệm để tránh chảy máu.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet