Thể thao

Công Phượng và giấc mơ “xuất ngoại” của cầu thủ Việt

Tiền đạo HAGL lần thứ 2 ra nước ngoài thi đấu, với điểm đặt chân mới là Incheon United, đội bóng thuộc tốp đầu ở K-League. Liệu đã có thể nói về ngày các cầu thủ Việt Nam có thể bước ra thế giới một cách đàng hoàng, thuần tuý bằng chuyên môn?

Công Phượng trong ngày ra mắt tại CLB Incheon United

1. Incheon United chính là đội bóng cũ của Lương Xuân Trường, đồng đội Công Phượng ở CLB HAGL. Năm 2016, bầu Đức đã cùng lúc “gả” cả 3 đứa con cưng của mình cho các đội bóng nước ngoài. Công Phượng tới Mito Hollyhock, Tuấn Anh đầu quân cho FC Yakohama còn Xuân Trường về Incheon United bằng bản hợp đồng có thời hạn 2 năm.
Dù vậy, Xuân Trường gần như rất ít cơ hội được ra sân và kết thúc mùa giải đầu tiên, anh được Incheon United thanh lý hợp đồng sớm để chuyển qua một đội bóng khác của Hàn Quốc, Gangwon United. Ngay ở đội bóng này, tiền vệ HAGL cũng ít có dịp được ra sân. K-League ở một đẳng cấp cao hơn hẳn so với V-League, đấy là một thực tế không thể phủ nhận.

2. Trước các cầu thủ HAGL, bóng đá Việt Nam đã có một số trường hợp được ra nước ngoài thi đấu, như Lê Công Vinh hay cựu Lê Huỳnh Đức. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, yếu tố thương mại luôn được đặt lên hàng đầu. Ở thời điểm “hot” nhất, Công Phượng và các đồng đội ở HAGL được định giá tới hàng triệu USD, đi liền với thông tin được nhiều CLB nước ngoài để ý.
Con đường Công Phượng hay Tuấn Anh, Lương Xuân Trường đi qua trước đây cũng chính là những gì đang diễn ra với Quang Hải, Đoàn Văn Hậu…của CLB Hà Nội hiện nay. Sau AFF Cup 2018, Quang Hải được “lên sàn” với những con số triệu đô đi kèm. Và tới sau Asian Cup 2019, nhiều thông tin rậm rịch về chuyện tiền đạo CLB Hà Nội có thể sang một đội bóng ở Tây Ban Nha để thử việc.
Các thương vụ của Đặng Văn Lâm (tới Muangthong United), Lương Xuân Trường (Buriram United) và Công Phượng kể trên càng tạo thêm sự hứng khởi cho giới hâm mộ về một giai đoạn mới của bóng đá Việt Nam, khi các cầu thủ có thể đường hoàng bước ra thế giới bằng năng lực chuyên môn.
Tuy nhiên…

3. CLB Hà Nội đang trội hơn hẳn so với phần còn lại của Wake-up V-League 2019. Từ năm 2009 tới nay, đội bóng chủ sân Hàng Đẫy đã 4 lần đoạt cúp vô địch. HLV Chu Đình Nghiêm nắm trong tay một loạt tuyển thủ quốc gia, với những cái tên như Phạm Thành Lương, Văn Quyết, Quang Hải, Duy Mạnh…
Nhưng “xương sống” của họ vẫn là những ngoại binh. Đó là Pape Omar, cựu thủ quân Thanh Hoá, tiền đạo Hoàng Vũ Samson thường xuyên trong nhóm ghi bàn hàng đầu ở V-League hay Oseni, cầu thủ vừa lập cú “poker” vào lưới Nagaworld ở AFC Cup 2019.
Tiền đạo Lê Công Vinh đang giữ kỷ lục ghi bàn nhiều nhất cho đội tuyển Việt Nam với 51 bàn thắng sau 83 lần ra sân. Nhưng ngay cả ở thời đỉnh cao, tại các đội bóng đầu quân, Công Vinh cũng không đủ khả năng cạnh tranh vị trí săn bàn trên hàng công với ngoại binh. Cầu thủ ngoại luôn giữ vai “gánh đội” ở mọi đội bóng tại V-League.
Liệu có thể tin rằng các đội bóng châu Âu, khi tuyển mộ các cầu thủ trên hàng tấn công, lại ưu tiên cho một cầu thủ đến từ châu Á nếu không có yếu tố thương mại đi kèm? Đây là một thực tế khó khăn, cho dù giới hâm mộ Việt Nam đều mong mỏi được nhìn thấy các cầu thủ của chúng ta có thể ra sân ở những giải đấu hàng đầu châu lục hoặc thế giới. Đấy là chưa kể tới các yếu tố khác về văn hoá, ngôn ngữ, địa phương…
Nói như vậy để thấy việc xuất ngoại của các cầu thủ Việt còn khó khăn, nên những trường hợp như Công Phượng, Lương Xuân Trường dẫu sao vẫn rất đáng quý. Như nhận xét của HLV Phan Thanh Hùng, Công Phượng đang cho thấy sự tự tin trong lần thứ 2 ra nước ngoài, nhờ vào kinh nghiệm ở Nhật Bản trước đó. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Tác giả: Bất Hoặc

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP