Thế giới

Chuyên gia mổ xẻ ý đồ của Trung Quốc tập trận trước phán quyết

Ông cũng tin rằng việc Trung Quốc lựa chọn tập trận ở vùng biển quốc tế xung quanh quần đảo Hoàng Sa như một biện pháp phản đối phán quyết an toàn.

Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong tuần này và dự kiến kết thúc chỉ một ngày trước khi Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (PCA) đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra từ ngày 5-11/7. Trong khoảng thời gian này, các tàu thuyền sẽ bị cấm xâm nhập vào vùng biển rộng lớn phía đông đảo Hải Nam, bao gồm khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ảnh minh họa.


Tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney, cho hay việc Trung Quốc tiến hành tập trận gần Hoàng Sa ngay trước thềm phán quyết của PCA có thể được xem là một động thái phô trương sức mạnh quân sự của mình.

Theo chuyên gia Townshend, cuộc tập trận của Trung Quốc giống như một "sự thách thức" trước phán quyết, nhưng không chắc chắn sẽ đồng nghĩa với sự báo trước một phản ứng quyết đoán.

"Triển khai lực lượng quân sự ở Biển Đông là một trong những cách mà Trung Quốc tin rằng có thể giúp nước này xuất hiện trông mạnh mẽ, nhưng không thực sự làm gia tăng căng thẳng. Một hoạt động như vậy có lẽ được tổ chức nhằm trấn an dư luận trong nước rằng Bắc Kinh sẽ không khuất phục trước các áp lực quốc tế. Nó cũng là một tín hiệu gửi đến Mỹ và các nước ASEAN về quyết tâm của Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện diện quân sự ở Biển Đông bất chấp phán quyết", chuyên gia Townshend nói.

Ông cũng tin rằng việc Trung Quốc lựa chọn tập trận ở vùng biển quốc tế xung quanh quần đảo Hoàng Sa như một biện pháp phản đối phán quyết an toàn. Nó sẽ giúp nước này vừa gây được ảnh hưởng tích cực ở trong nước, vừa không làm leo thang căng thẳng với bên ngoài, vừa thể hiện được sự răn đe, phô trương sức mạnh quân sự và lập trường cứng rắn trước phán quyết của PCA.

Cách thức thị uy này an toàn hơn so với các biện pháp quyết đoán khác như quân sự hóa bãi cạn Scarborough hoặc thiết lập Khu nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, chuyên gia Townshend nói thêm.

Nhưng Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ đối ngoại tại Đại học Nam Kinh, cho rằng động thái trên có thể được xem như là một thái độ phản đối phán quyết mạnh mẽ của Bắc Kinh, đáp ứng với việc Mỹ triển khai ba tàu khu trục tới Biển Đông hồi tháng trước.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó cho biết họ đã nhận thức được sự xuất hiện của ba tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiên tiến Aegis của Mỹ ở Biển Đông và cảnh báo sẽ "giám sát" chúng trong khu vực.

Tác giả bài viết: Hoàng Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP