Giáo dục

Chương trình phổ thông mới: Địa phương chủ động cơ sở vật chất

Hôm nay (9/1), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với lãnh đạo UBND và ngành giáo dục các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bàn về việc chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chuẩn bị cơ sở vật chất: Cần địa phương chủ động!

Theo nhiều Sở GD&ĐT, điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất, là hai vấn đề nhận được nhiều quan tâm nhất khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vì vậy, tại hội nghị tổng kết năm học cách đây một năm, đại diện Sở GD&ĐT các tỉnh đã kiến nghị giãn thời gian thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể 1 năm để có thời gian chuẩn bị kĩ càng hơn.

Các địa phương lấy thời gian lùi này, để chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất, dạy thí điểm, đào tạo giáo viên…, trước khi áp dụng chính thức chương trình đổi mới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên trước đó khi cho rằng: “Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được chuẩn bị ra sao để đáp ứng với yêu cầu của chương trình mới? Bộ GD&ĐT có kế hoạch khảo sát các thiết bị trong các trường phổ thông hiện nay hay không?”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới, cũng thừa nhận: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là vấn đề lớn.

học sinh

Để quyết định cải thiện điều kiện học tập, cơ sở vật chất các trường thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và phải đầu tư. (Ảnh minh họa)

Theo GS Thuyết, chương trình này vừa là văn bản quy định nhưng cũng là cam kết của Nhà nước về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhà nước ở đây không chỉ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT mà còn là chính quyền các địa phương. Để quyết định cải thiện điều kiện học tập, cơ sở vật chất các trường thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và phải đầu tư.

Về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay: “Bộ GD&ĐT cũng trình Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông. Cùng với đó, thực hiện rà soát danh mục thiết bị trường học để phù hợp với chương trình mới”.

Không lo thiếu giáo viên?

Trong Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, xuất hiện nhiều môn học mang tính tích hợp, đặc biệt là ở các lớp học cấp dưới. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu đội ngũ giáo viên hiện tại của chúng ta có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp trong chương trình mới không?

Trả lời câu hỏi trên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ở giai đoạn trước mắt, giáo viên môn nào vẫn dạy môn đấy. Những giáo viên đã được bồi dưỡng tốt, có khả năng dạy các môn tích hợp sẽ tham gia giảng dạy các môn, các chuyên đề tích hợp.

Còn về căn bản và lâu dài, hiện nay Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo đổi mới chương trình, có Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP).

học sinh

Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị thực hiện rà soát giáo viên để có đề xuất với Bộ Nội Vụ để tuyển sinh, đồng thời tính toán lại định mức công việc của giáo viên để có thể đáp ứng được chương trình mới. (Ảnh: Mỹ Hà)

Mới đây, tại buổi công bố Chương trình phổ thông mới, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ năm 5 trước, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Sở GD&ĐT và các trường Sư phạm để tổ chức những khóa bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cốt cán theo hướng phát triển định hướng học sinh và xây dựng chủ đề liên môn.

“Những nơi khó khăn, chúng tôi cũng đã tính đến, khi đào tạo giáo viên cốt cán sẽ được chú ý hơn, đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đã chọn lọc những giáo viên tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 là từ năm học 2020-2021. Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua internet, chúng tôi tin rằng giáo viên sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới”, ông Minh khẳng định.

Trước lo ngại vấn đề thừa thiếu giáo viên, ông Minh cho biết, Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị thực hiện rà soát giáo viên để có đề xuất với Bộ Nội Vụ để tuyển sinh, đồng thời tính toán lại định mức công việc của giáo viên để có thể đáp ứng được chương trình mới.

Theo ông Minh, khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới không thiếu vì số giáo viên cần để dạy chương trình mới và chương trình cũ không chênh lệch nhiều nên không lo về nguồn tuyển.

“Bộ cũng đã tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên. Bộ đã rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm. Đồng thời các tỉnh cũng đã rà soát số lượng, cơ cấu chất lượng để có phương án cùng với Bộ Nội vụ đề xuất, bổ sung kịp thời.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP