Đã tính đến chuyện thừa/thiếu giáo viên
Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD&ĐT), từ năm 5 trước, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Sở GD&ĐT và các trường Sư phạm để tổ chức những khóa bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cốt cán theo hướng phát triển định hướng học sinh và xây dựng chủ đề liên môn.
“Những nơi khó khăn, chúng tôi cũng đã tính đến, khi đào tạo giáo viên cốt cán sẽ được chú ý hơn, đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đã chọn lọc những giáo viên tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 là từ năm học 2020-2021. Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua internet, chúng tôi tin rằng giáo viên sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới”, ông Minh khẳng định.
Trước lo ngại vấn đề thừa thiếu giáo viên, ông Minh cho biết, Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị thực hiện rà soát giáo viên để có đề xuất với Bộ Nội Vụ để tuyển sinh, đồng thời tính toán lại định mức công việc của giáo viên để có thể đáp ứng được chương trình mới.
Theo ông Minh, khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới không thiếu vì số giáo viên cần để dạy chương trình mới và chương trình cũ không chênh lệch nhiều nên không lo về nguồn tuyển.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD&ĐT). (Ảnh: Toàn Vũ) |
“Bộ cũng đã tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên. Bộ đã rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm. Đồng thời các tỉnh cũng đã rà soát số lượng, cơ cấu chất lượng để có phương án cùng với Bộ Nội vụ đề xuất, bổ sung kịp thời.
Đối với những môn tự chọn ở cấp THPT, Bộ cũng đã tính đến việc tuyển dụng tối thiểu để đảm bảo phát huy tất cả hoạt động trao đổi, thảo luận, định hướng nhóm chọn cho học sinh. Bộ cố gắng làm sao kiểm soát được số lượng giáo viên và các địa phương cũng không gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giáo viên.
Những việc này, Bộ đã tính và đồng thời cũng giao cho các đơn vị nghiên cứu lại định mức làm việc của giáo viên để có cơ cấu hợp lý, giúp các địa phương không bị động”, ông Minh cho biết.
Đề xuất nâng tầng ở một số trường
Để triển khai chương trình phổ thông mới các địa phương cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để triển khai học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học và sĩ số lớp không quá 35 học sinh/lớp ở tiểu học, 45 học sinh/lớp ở THCS và THPT.
Tại buổi công bố chương trình mới, nhiều người đặt ra lo ngại, với tình trạng sĩ số quá tải ở Hà Nội và TPHCM, phải có cách giải quyết để đủ điều kiện áp dụng chương trình phổ thông mới.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) (Ảnh: Toàn Vũ) |
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho hay, Bộ sẽ điều chỉnh lại quy chuẩn về cơ sở vật chất. Cục Cơ sở vật chất sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ quy định diện tích, không gian học tập cho mỗi học sinh; chẳng hạn sẽ không tính theo chuẩn là số học sinh/lớp mà sẽ là số diện tích dành cho học sinh/lớp.
Cũng theo Cục trưởng Hùng Anh, theo báo cáo của các địa phương thì tỷ lệ trung bình trên cả nước là 28,5 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học. Trong đó vùng Tây Bắc là 23 học sinh/lớp, Tây Nguyên là 26 học sinh/lớp và Tây Nam Bộ là 27.
Như vậy nếu xét mặt bằng chung thì tỷ lệ học sinh trên lớp là đáp ứng yêu cầu (theo quy định sĩ số là 35). Tuy nhiên một số thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM thì lại vượt quá.
Để khắc phục, Bộ đang chỉ đạo các địa phương tháo gỡ bằng việc rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp; cho phép ở các thành phố lớn được nâng tầng đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện, nhằm bố trí thêm lớp học.
Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các địa phương tháo gỡ bằng việc rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp; cho phép ở các thành phố lớn được nâng tầng đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện, nhằm bố trí thêm lớp học. (Ảnh minh họa) |
Trước đó, trả lời về vấn đề này tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do UBND TP Hà Nội tổ chức đầu tháng 1/2018, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình sách giáo khoa phổ thông mới, cho rằng, ông rất chia sẻ với các băn khoăn về việc quá tải lớp học.
Tuy nhiên, việc đảm bảo cơ sở vật chất cần được khắc phục theo lộ trình: “Công nợ trả lần, cháo nóng húp quanh", bây giờ đang khó khăn, nếu đòi hỏi tất cả các lớp đều có sĩ số ở cả 3 cấp học theo đúng quy định thì không thể thực hiện được.
“Với lộ trình cuốn chiếu trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, năm đầu tiên thực hiện sẽ chỉ ở lớp 1, sau đó đến các lớp tiếp theo. Như vậy các địa phương sẽ có điều kiện, thời gian đầu tư dần dần, từng lớp một chứ không phải đáp ứng ngay một lúc”, GS Thuyết cho biết.
Ông cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các thành phố có sĩ số lớp ở vùng lõi đông, cần quan tâm xây thêm nhiều trường lớp để đáp ứng được các yêu cầu.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí