Giáo dục

Chỉ thị yêu cầu học sinh không viết vào SGK: Không vô lý!

Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các trường phổ thông của Bộ GD-ĐT gây nhiều tranh cãi. Đặt trong bối cảnh thực tế và hoạt động tổ chức dạy thì chỉ thị này không vô lý.

Ngày 24/9, Bộ GD-ĐT ra chỉ thị sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng sách, trong đó yêu cầu giáo viên (GV) không để cho học sinh viết, vẽ vào SGK. Bên cạnh đó, Bộ cũng đặt ra vấn đề về kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trương hợp vi phạm.

Chỉ thị này của Bộ gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, đặc biệt với nhiều GV đó được xem như là yêu cầu bắt buộc, mệnh lệnh, gây khó cho GV.

Việc hướng dẫn học sinh không viết vào sách giáo khoa là cả quá trình dạy học tích cực

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định đây không phải là yêu cầu mang tính “cấm” mà nhằm hướng dẫn GV thực hiện phương pháp dạy học tích cực, bảo quản sách và sử dụng lại được lâu bền.

Cụ thể, ông Thành nhấn mạnh, chỉ thị yêu cầu GV hướng dẫn HS nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào SGK chứ không phải yêu cầu hay cấm HS. Tuy đây không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng cần phải hướng dẫn để HS không chỉ biết giữ gìn, bảo quản SGK của mình mà còn tạo ý thức tốt trong việc giữ gìn, phát triển văn hóa đọc trong HS và toàn xã hội.

Trong quá trình dạy học, ông Thành cũng cho rằng khi biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002 - 2003, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn HS tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho HS các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn HS tự học.

Trong quá trình dạy học, GV cần sử dụng các dạng bài tập đó làm “tình huống học tập” để hướng dẫn HS ghi vào vở, dự kiến đáp án và giải thích lý do lựa chọn để trình bày, thảo luận, bảo vệ phương án đúng (Có thể hiểu là làm nháp). Việc học sinh giải thích vì sao chọn như vậy mới chính là dạy học, chứ không phải là nối thế này đúng hay sai. Quan trọng là trả lời câu hỏi tại sao chứ không phải là cái gì. Điều này mới thực hiện đúng tinh thần của phương pháp dạy học tích cực mà SGK hướng tới.

Nếu trong dạy học GV cho HS trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào SGK rồi đánh giá kết quả là liền là đã hạn chế việc phát triển phẩm chất, năng lực, tư duy của HS.

Tránh trường hợp “gây khó” cho học sinh

Trong chỉ thị, không chỉ hướng dẫn về sử dụng SGK, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, GV vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến HS phải mua quá nhiều ấn phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Giáo viên không được gây khó dễ để ép học sinh mua nhiều ấn phẩm tham khảo

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, trên thực tế không phải không có những trường hợp giáo viên có thể vô tình vì năng lực hạn chế hoặc cố tình, khi ra đề kiểm tra, nhặt tài liệu này câu, tài liệu kia câu… thế là học sinh, phụ huynh kháo nhau phải bỏ tiền mua rất nhiều tài liệu, rất lãng phí. Chưa kể, việc GV sử dụng không hợp lý cũng có trường hợp làm khó, gây o ép học HS đi học thêm… nên chỉ thị của Bộ cũng nhằm hạn chế điều này và kiểm tra với trường hợp tiêu cực như vậy.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP