Bạn cần biết

Chị em chăm chồng mắc căn bệnh khổ sở "nhất nhì" mùa lễ tết cần lưu ý gì?

Căn bệnh này có thể khiến người đàn ông vạm vỡ ngày thường không thể chịu nổi ngay cả trọng lượng của tấm ga trải giường.

Những ngày năm hết Tết đến này, nhà nhà ăn tất niên, người người ăn tất niên. Qua ngày 30 Tết, hết tất niên rồi lại... tân niên. Triền miên nhậu nhẹt khiến rất nhiều người bị bùng phát cơn gút (bệnh gout) cấp tính trong khoảng thời gian này.

Cơn đau gút thậm chí có thể khiến khớp không chịu nổi trọng lượng một tấm ga trải giường. Một đợt đau gút kéo dài từ 5-10 ngày, khiến nhiều người coi đây là bệnh khổ sở nhất nhì ngày Tết, có khi hết đau thì đã... hết Tết.

Ngón chân cái là nơi thường xuất hiện cơn đau gút cấp do thân nhiệt lạnh hơn và ở vị trí thấp nhất của cơ thể

Để có một cái Tết an lành, chị em phụ nữ chăm chồng - những quý ông bị bệnh gút hay bị tăng acid uric máu - cần "bỏ túi" những lưu ý quan trọng.

BS Tăng Hà Nam Anh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM) cho biết, gút là một rối loạn chuyển hóa mãn tính. Tình trạng tăng acid uric gây lắng đọng chất này ở mô dưới da, gân, khớp, thận gây ra tình trạng bệnh lý cho các tạng này chẳng hạn như viêm khớp, sỏi thận, suy thận.

Người bị bệnh gút có nguy cơ cao về các bệnh lý tim mạch nên phải điều trị, theo dõi thường xuyên. Những người có nguy cơ cao bị bệnh gút là những người béo phì, nghiện rượu, cà phê, người có tiền sử gia đình bị bệnh gút.

Các sai lầm thường gặp khi điều trị bệnh gút:

Hết đau là hết bệnh?

Bệnh gút có diễn biến rất mạn tính, kéo dài trong nhiều năm. Nhiều người nghĩ rằng khi điều trị thuốc và hết đau là đã khỏi bệnh gút. Trong khi đó, khi bệnh nhân uống thuốc và hết đau thì chỉ mới có nghĩa là tạm thời giải quyết được tình trạng viêm của khớp hay gân. Nếu tình trạng acid uric vẫn còn cao thì nguy cơ tái phát vẫn còn.

Trên cộng đồng mạng thỉnh thoảng vẫn lan truyền những bài thuốc chỉ cần uống trong vài lần giúp bạn tránh khỏi bệnh gút vĩnh viễn. Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào đưa ra được những biện pháp điều trị khỏi triệt để bệnh gút.

Gút không quay lại nếu ăn kiêng triệt để?

Không hoàn toàn đúng. Vì acid uric vẫn đến từ nguồn nội tại trong cơ thể. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bệnh gút nên sử dụng thức ăn ít chứa nhân purine như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả; hạn chế thức ăn chứa nhiều acid uric như thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan, bầu dục, đậu đỗ.

Bia, rượu nguy hại, liệu nước ngọt có ga an toàn với người bị gút?

Hoàn toàn sai. Vì các loại nước ngọt có ga làm tăng acid uric trong máu, không thua kém gì bia. Cần kiêng dùng nước ngọt có ga, nhất là khi dùng với hải sản. Cùng đó, tuyệt đối không uống rượu, bia, cà phê, chè vì nó làm giảm khả năng bài xuất acid uric qua thận, hậu quả là làm tăng lactat máu.

Gút chỉ đến với đàn ông tuổi trung niên?

Khoảng 0,14% người Việt Nam đang bị gút. Bệnh gút thường xảy ra với nam giới trung niên (tuổi 40-50) chiếm 95%. Dù vậy, với các chuẩn sinh hoạt được cải thiện, chế độ ăn purine ngày một cao, tình trạng ăn nhiều thịt, thiếu rau xanh, trái cây, lười vận động, tỉ lệ tiêu thụ rượu bia khủng như ở nước ta hiện nay thì bệnh gút có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Theo BS Nam Anh, với phụ nữ sau mãn kinh, vì hàm lượng estrogen giảm mạnh nên việc đề phòng và điều trị bệnh gút là không thể coi thường được.

Lưu ý kiểm soát chế độ dinh dưỡng với người mắc bệnh gút ngày Tết

Không nên ăn nhóm thực phẩm có nhiều purine; Không uống rượu, bia, cà phê, chè; Không ăn uống thực phẩm (rau quả) có vị chua vì làm tăng acid máu; Không ăn phủ tạng động vật, nước luộc thịt, nước sườn, cá hộp, thịt hộp; Không ăn chế phẩm có cacao, chocolate.

Hạn chế ăn thịt, cá các loại, hải sản, gia cầm, đậu đỗ. Thực phẩm chứa đường fructose cũng làm tăng acid uric như bánh kẹo, mứt trái cây, trái cây sấy khô, trái cây đóng hộp. Đây cũng là những thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong ngày Tết. Ăn nhiều thực phẩm này thì nguy cơ bệnh gút bùng phát, vì vậy bạn cần phải hạn chế.

Các thực phẩm nên ăn: Uống đủ nước: 2 - 2,5 lít/ngày, nên uống nước khoáng, nước rau; Sữa, rau xanh, quả chín, ngũ cốc (gạo, ngô, khoai,…) có thể sử dụng với tỷ lệ nhiều hơn bình thường một chút.

Giảm lượng đạm trong khẩu phần: Tổng lượng thịt hoặc cá… đạm động vật, đậu đỗ khoảng 150g một ngày. Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.

Cách tính các thực phẩm tương đương như sau: Lượng đạm trong 100g thịt = 180g đậu phụ = 70g lạc hạt = 100g cá = 100g tôm.

Đừng quên nhắc chồng giữ ấm cơ thể

Nhiệt độ lạnh đột ngột có thể làm bùng phát gút và các bệnh xương khớp. Do đó, giai đoạn Tết cũng là khi trời trở lạnh, người mắc bệnh gút cần mặc ấm, giữ chân tay luôn ấm, hạn chế tiếp xúc với nước lạnh buốt để kiểm soát bệnh.

Ngón chân cái là nơi thường xuất hiện cơn đau gút cấp do thân nhiệt lạnh hơn và ở vị trí thấp nhất của cơ thể, tinh thể acid uric dễ xuất hiện hơn.

Tác giả: Quỳnh An

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP