Tập hồ sơ bệnh dày cộp
Ngồi đối diện với người đàn ông ấy, chúng tôi cảm nhận được nỗi cực khổ, lo lắng dường như thể hiện hết trên gương mặt. Đôi bàn tay gân guốc cầm tập hồ sơ bệnh dày cộp của con, anh không biết bắt đầu phải đưa cho chúng tôi những gì. Cậu con trai bé nhỏ, mặt mày ủ rũ, thỉnh thoảng lại gục xuống bàn nhăn nhó.
Khi được chúng tôi hỏi thăm, động viên, cậu bé gượng trả lời. Vừa nhắc tới ước mơ, bất chợt bé rơm rớm nước mắt nói: “Con chỉ ước khỏi bệnh về đi học thôi. Giờ lúc nào con cũng thấy mệt mỏi và đau nóng ở cổ. Sao con chữa bệnh lâu vậy mà vẫn chưa hết chú ơi?”.
Khát khao được đi học cậu bé lớp 5 cầu cứu |
Gần 1 năm nay, bé Trần Quốc Dũng (thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) gặp rất nhiều khó khăn khi điều trị căn bệnh ung thư vòm hầu. Được như bây giờ, Dũng phải trải qua nhiều giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe suy kiệt trầm trọng, có lúc tưởng chừng không vượt qua được. Mỗi một lần ho khạc, cha mẹ lại điếng người vì bé thổ ra toàn mủ và máu.
Căn bệnh hành hạ khiến cậu bé không thể nuốt nổi một thìa cháo, cả ngày chỉ nằm lờ đờ, người nóng như hòn than. Ngồi bên cạnh, anh Trần Văn Thanh cố gắng giúp con làm mát, hạ nhiệt nhưng cũng chẳng ăn thua.
Một năm qua cả gia đình bé đã phải cố gắng rất nhiều mới duy trì được tính mạng cho con. Số tiền nhà kiếm được và tiền vay cứ lần lượt tiêu tan hết. Số toa thuốc điều trị tăng lên bao nhiêu thì kinh tế lại càng cạn kiệt bấy nhiêu. Ngoài 20% chi phí phải thanh toán theo quy định, gia đình anh Thanh vẫn phải ra ngoài mua thêm thuốc.
Bò giống cũng muốn bán
Quanh năm vợ chồng anh Trần Văn Thanh và chị Lê Thị Kim Loan sống bằng nghề nông. Đất ruộng gia đình anh trồng cả lúa, ngô và củ mì. Thu nhập của vợ chồng con cái không tính theo tháng mà tính theo mùa vụ.
Con trai bệnh tật khiến gia đình lo đau đáu |
Anh chị có 4 người con, hai đứa con lớn đi làm thuê làm mướn kiếm thêm tiền vì việc ở nhà không đủ. Tranh thủ lúc rỗi, anh Thanh đi cưa cây và lột vỏ cây keo kiếm thêm. Tài sản lớn nhất là hai con bò giống mua cách đây 3 năm. Nuôi bò vừa để bò sinh sản kiếm lời vừa để lấy phân bón ruộng.
Nếu bé Quốc Dũng không bị bệnh, có lẽ giờ họ cũng không phải mang một khoản nợ lớn trên 70 triệu đồng. Đáng lo ngại nhất lúc này là gia đình chưa biết làm cách nào để có tiền cho con điều trị tiếp. Đôi bò giống ban đầu còn cố giữ lại với hy vọng đến lúc đẻ, bán bò con sẽ trả được khoản nợ đã vay. Tuy nhiên trong thời điểm này, giá bò thấp quá họ đã rao bán nhưng vẫn chưa bán được.
Nợ nần chồng chất, hy vọng cứu con đang phụ thuộc vào các tấm lòng hảo tâm |
Cả gia đình chỉ còn biết trông chờ vào tiền làm thuê của hai đứa con lớn. Tuy nhiên sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt, số dư còn lại chẳng đáng bao nhiêu.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Văn Thanh nói: “Vợ chồng tôi đã tính hết cách này, cách khác rồi nhưng tiền kiếm ra thì ít, tiền chi phí nhiều nên lúc nào cũng thiếu. Chúng tôi làm nông nghiệp đến vụ thu hoạch mới có tiền, chứ không phải tháng nào cũng có. Cháu nó bệnh nhiều tháng nay, cứ vay dần cộng lại không trả được giờ làm sao vay thêm. Bà xã ở nhà vừa trông con bò vừa làm việc nhà nên cũng chẳng kiếm được tiền. Hai cha con ở bệnh viện chỉ có thể xin cơm từ thiện".
Mọi đóng góp có thể gửi về: Anh Trần Văn Thanh thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. SĐT: 039 2340 576 |
Tác giả: Đức Toàn
Nguồn tin: Báo VietNamNet