Nhân ái

Cậu bé lớp 7 nợ 40 triệu đồng sau khi bố mẹ mất vì ung thư

Bố mất vì căn bệnh ung thư khi em mới 3 tháng tuổi, mẹ “đứt ruột” gửi người chị gái mới 3 tuổi vào chùa nhờ nuôi giúp. 2 tháng trước, đúng ngày khai giảng, thay vì có quần áo mới đến trường, Vượng khoác bộ đồ tang vì người mẹ cũng mất do ung thư. Bây giờ, ngoài đi học, Vượng dành thời gian để chăm sóc con bò- tài sản duy nhất của gia đình, với dự định bán để trả số nợ mà trước đó đã vay chạy chữa cho mẹ.

Đầu tháng 11, khi mùa mưa Tây Nguyên kết thúc, chúng tôi mới có thể tìm đến nhà cậu học trò Nông Văn Vượng (SN 2004) tại thôn Thắng Lợi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Cả thôn nằm sâu hun hút trong những quả đồi bạc màu, nên vừa đi, ba người vừa phải phát cỏ rẽ lối, mở đường.

Thầy Lê Văn Hùng, hiệu trưởng trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Đắk Gằn) cho biết, thôn Thắng Lợi chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, họ sống phân tán theo từng hộ gia đình, rải rác ở hàng chục quả đồi lớn nhỏ. Hai tháng trước, ngày mẹ Vượng mất, Đắk Nông đang là mùa mưa nên để đi đến được nhà Vượng, thầy và trò của trường Hoàng Văn Thụ phải đi từ lúc tờ mờ sáng đến tận giữa trưa mới tới được nơi.

Căn nhà nơi hai chị em Vượng ở sau khi bố mẹ lần lượt qua đời

Giữa cái nắng đổ lửa của mùa khô, căn nhà cấp 4 của Nông Văn Vượng nằm trơ trọi giữa bãi lau lách cao quá đầu người. Bên trong căn nhà, ngoài chiếc giường mục nát, chỉ có bàn thờ người quá cố nằm lạnh lẽo ở góc nhà. Đó là bàn thờ của chị Tô Thị Liệu, mẹ của Vượng, mới mất cách đây hơn 2 tháng.

Nghe tiếng người lạ đến, Nông Thị Thảo Chi (SN 2002, chị gái Vượng) chạy vội về sau nhà trốn, em trai động viên mãi, cô gái mới chịu ra ngoài ngồi nói chuyện. Trong suy nghĩ của thiếu nữ này, bố mất, mẹ mất nên em được đưa từ chùa về nhà sống cùng em trai. Hàng ngày bên cạnh việc lau dọn nhà cửa, nấu cơm cho hai chị em, Chi cùng em chăm sóc một con bò, tài sản có giá trị nhất của gia đình thời điểm này.

Mẹ mất vì ung thư, Chi được đưa về nhà sống cùng em

Thắp cho mẹ nén hương, Vượng và chị gái ngồi lặng lẽ, nép mình bên người bác ruột. Vượng tâm sự, em mất bố khi mới được 3 tháng tuổi. Bố mất vì bệnh gì, em cũng không rõ, nhưng nghe mẹ kể, để chạy chữa cho bố, mẹ em phải bán đi toàn bộ rẫy vườn, song cũng không có kết quả. Sau ngày bố mất, mẹ Vượng phải nuốt nước mắt, gửi chị gái mắc bệnh thần kinh nhẹ lên chùa nhờ nuôi giúp. Mỗi năm, ba mẹ con chỉ được đoàn tụ một hai lần.

Trước đó, do hoàn cảnh khó khăn, mẹ phải gửi Chi vào chùa nhờ nuôi giúp

Cuối năm 2016, cơ thể của mẹ Vượng xuất hiện những khối u lớn, có thể sờ được bằng tay. Nhưng thương con, chị Liệu chỉ dám xin thuốc nam về uống để đỡ đau rồi gắng gượng đi làm thuê. Giữa năm 2017, những khối u phát triển ngày càng lớn, xuất hiện ở nhiều vị trí, gia đình mới gom góp được một ít để đưa chị xuống TP.HCM khám.

“Ngày đó, bác sĩ bảo em tôi bị ung thư, nhưng bệnh nặng lắm rồi, không còn khả năng cứu chữa nữa. Nó về nhà, xin thuốc nam uống cầm cự để đi làm nuôi con. Thế nhưng đến đầu năm 2018, sức khỏe nó yếu quá, không đi đứng được, cứ nằm một chỗ trên giường, hai mẹ con phải sống nhờ anh em trong nhà. Một tuần trước khi nó mất, nó tỉnh táo lắm, bảo gia đình đi đón con gái về, rồi nhờ chúng tôi nuôi nấng hai đứa con, để nó ra đi thanh thản”, chị Tô Thị Như, chị gái chị Liệu cho hay.

Mẹ mất đúng ngày khai giảng, hai chị em nhớ mẹ, đêm nào cũng khóc

Nghẹn ngào nhìn lên tấm ảnh mẹ, Vượng nức nở: “Từ ngày mẹ mất, hai chị em vẫn sống trong căn nhà này. Đêm nào hai chị em cũng khóc vì nhớ mẹ, nghĩ đến chuyện mẹ mất rồi, hai chị em càng khóc to hơn. Bây giờ, em phải thay mẹ chăm sóc chị, phải trả hết số nợ mà trước đó mẹ đã vay, nên em cũng chưa biết phải làm thế nào. Cả nhà bây giờ chỉ còn mỗi con bò là giá trị, nên hàng ngày em với chị thay nhau đi chăn, mong sao có người mua giá cao”.

Tài sản duy nhất là con bò, Vượng tính bán đi để trả nợ ngân hàng

Nghe những lời nói ngây ngô nhưng thật thà của cháu, chị Như rơm rớm nước mắt. Vừa ôm chặt đứa cháu gái, người phụ nữ lau vội hàng nước mắt rồi nghẹn ngào tâm sự trong mùi khói hương nghi ngút. “Không riêng gì gia đình tôi, mà cả thôn đây đa phần là hộ nghèo nên chả dám nghĩ đến chuyện trả nợ hộ cháu. Ngày xưa tôi lớn lên bằng cây dại, rau rừng nhưng bây giờ, chả lẽ bắt hai đứa nhỏ phải sống khổ cực như thế. Thương hai đứa cháu sớm mồ côi, nên hàng ngày bà con lối xóm, có đồ ăn thức uống đều mang sang cho các cháu, mong sao bù đắp được một phần tình cảm cho bọn nhỏ”.

Hàng ngày, một buổi đi học, một buổi Vượng ở nhà chăm sóc chị

Không còn bố mẹ, hai chị em Vượng và Chi sống nhờ sự đùm bọc của bà con, hàng xóm. Tuy nhiên, do ngày trước chị Liệu có vay 40 triệu của Ngân hàng chính sách xã hội để chữa bệnh và mua bò giống, nên bây giờ khoản nợ đó vẫn còn. Nói đến số nợ này, Vượng chột dạ: “Nếu bán bò không đủ trả nợ, có lẽ em sẽ nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền. Mấy hôm nữa chị gái cũng đi làm thuê, nhưng sức khỏe của chị không tốt nên em sợ chị khổ. Em sẽ cố gắng thay mẹ chăm sóc chị thật tốt, chỉ mong sao hai chị em sống vui vẻ là được”.

Hoàn cảnh khó khăn, Vượng tính nghỉ học để đi làm, nuôi chị bị bệnh và trả nợ ngân hàng

Gần 11h trưa, không gian càng vắng lặng, tĩnh mịch hơn, Vượng chào chị rồi lên đường đi học, một mình Chi tha thẩn chơi bên tấm di ảnh của bố mẹ. Chúng tôi cũng xin phép ra về, nhưng lòng đầy nặng trĩu khi chứng kiến cảnh cậu bé 14 tuổi, một mình đi bộ cả chục km đường rừng để ra đến trường. Bóng dáng của Vượng nhỏ dần rồi mất hút sau những tán cây rậm rạp, chỉ còn loáng thoáng tiếng hát ngây thơ của cậu bé người dân tộc Tày sớm mồ côi cả bố lẫn mẹ.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 3134: Em Nông Văn Vượng (trú thôn Thắng Lợi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông).

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: cậu bé , hoàn cảnh , ung thư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP