PGS.TS Lê Đình Sơn, trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng đã có bài viết phân tích: “Kinh nghiệm thế giới và một số đề xuất đổi mới đào tạo giáo viên ở nước ta”.
PGS.TS Lê Đình Sơn cho rằng, những năm qua hoạt động đào tạo giáo viên (GV) đã góp phần hiệu quả vào sự nghiệp phát triển giáo dục. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng CN 4.0, mô hình đào tạo giáo viên còn nhiều hạn chế.
Theo PGS Sơn, về cơ sở đào tạo, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường ĐH SP, 40 trường CĐ SP) và 2 trường trung cấp SP). Mặc dù quy hoạch mạng lưới các trường SP đã được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, nhưng việc đào tạo GV, cả về năng lực thực tế và quy mô của cơ sở đào tạo vẫn chưa được kiểm soát.
Dự báo năm 2018 số giáo viên tốt nghiệp ra trường vào khoảng trên 90.000 người, trong đó GV tiểu học là 19.2000; GV THCS là 18.7000, GV THT là 23.030, GV Mầm non là 29.600. Trong khi đó, tổng nhu cầu về tuyển mới GV năm 2018 chỉ vào khoảng 59.000.
Theo dự tính của Bộ GD&ĐT, ngoại trừ số lượng GV mầm non được đào tạo hằng năm hiện không đủ cung cấp cho các nhà trường, GV phổ thông được đào tạo ở các cấp học đều dư thừa, thậm chí trong 3 năm tới có thể tạm dừng tuyển mới GV THCS và THPT để giải quyết tình trạng thừa GV hiện nay.
|
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và phân tích thực trạng đào tạo giáo viên ở Việt Nam, PGS.TS Lê Đình Sơn đã đề xuất một số nội dung đổi mới mô hình đào tạo giáo viên ở các trường đại học hiện nay.
Cần xác định lại chuẩn trình độ đào tạo GV và lộ trình thực hiện
PGS.TS Lê Đình Sơn cho rằng, chuẩn trình độ đào tạo GV phổ thông đã được nâng lên trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi so với Luật Giáo dục hiện hành. Đại học là trình độ chuẩn được đào tạo đối với cả GV tiểu học, THCS và THPT. Đây là chuẩn có thể thực hiện hóa hiện nay và được xem là phù hợp nếu dựa trên quan điểm kế thừa chính sách trong đào tạo.
Tuy nhiên, trong thời cuộc 4.0, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nói chung, đào tạo GV nói viên cần có sự thay đổi cập nhật. Nên cân nhắc khả năng triển khai đào tạo thế hệ mới GV phổ thông các cấp ở trình độ thạc sĩ như cách làm ở các nước phát triển.
Khi nhu cầu về số lượng GV của các trường phổ thông đã được đáp ứng như hiện nay thì đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu công việc này. Sự khởi đầu này, nếu được tổ chức tốt, có thể kéo theo nhiều cách khác trong GDPT ở nước ta. Có thể đặt lộ trình chuẩn GV theo từng giai đoạn và nên công bố công khai lộ trình này trong chiến lược phát triển giáo dục.
Quy hoạch đội ngũ giáo viên và mạng lưới cơ sở đào tạo GV
PGS Lê Đình Sơn cho hay, sự tiếp tục tồn tại quá nhiều cơ sở đào tạo GV ở nước ta không chỉ dẫn đến dưa thừa cục bộ số lượng GV các cấp được đào tạo, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của đội ngũ GV và là trở ngại đối với việc đổi mới hoạt động đào tạo GV hiện nay.
Để khắc phục bất cập nêu trên cần có quy hoạch đội ngũ GV và mạng lưới cơ sở đào tạo GV, đồng thời xác định mô hình đào tạo GV phù hợp xu thế phát triển giáo dục trên thế giới và hình thành thực tế ở nước ta.
Khi đã xác định ĐH là trình độ chuẩn được đào tạo của GV tiểu học, THCS,THPT (như dự thảo Luật GD sửa đổi) và định hướng nâng chuẩn đào tạo GV lên trình độ thạc sĩ (như cách làm của các quốc gia phát triển) thì không có lý do gì tiếp tục duy trình đào tạo GV trình độ cao đẳng để sau này lặp lại việc tổ chức các khóa nâng chuẩn như giải pháp tình thế từng làm do tồn tại lịch sử.
Rõ ràng, đây là thời điểm cần triển khai đồng bộ quy hoạch đội ngũ GV và mạng lưới các cơ sở đào tạo GV. Cần nhìn nhận quy hoạch là một yếu tố nền tảng cho các chính sách đổi mới đào tạo GV nói riêng, và đổi mới, cải cách trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung.
Cần thống nhất khung chương trình đào tạo GV trong toàn hệ thống
Theo PGS Sơn, trên cơ sở xác định lại chuẩn trình độ đào tạo GV và lộ trình thực hiện đã nêu cần xây dựng lại khung chương trình đào tạo GV cho tất cả các cấp học trong hệ thống GDPT. Ở đây cũng nên tính đến khả năng chuyển đổi GV giữa 2 cấp học THCS và THPT. Cho dù đã có quy hoạch thì tình trạng GV thừa ở cấp học này, thiếu ở cấp học khác vẫn có thể xảy ra cục bộ ở từng địa phương cụ thể, vì thế việc tận dụng những nét tương đồng trong hoạt động nghề nghiệp của GV ở hai cấp học này là cần thiết.
Chương trình đào tạo cần tính đến lộ trình tổng thể đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sĩ theo nguyên tắc thống nhất xuyên suốt cả quá trình đào tạo. Ở bậc đại học có thể thiết kế hai khối chương trình tổng thể: Theo mô hình song song và mô hình nối tiếp và nên quy định thống nhất trong toàn hệ thống, chung cho các trường đại học.
Ngoài ra, PGS Sơn cho rằng, cần chú trọng năng lực nghiên cứu của người học trong mô hình đào tạo GV. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích đội ngũ GV nâng cao trình độ đào tạo. Theo đó, có chính sách thúc đẩy nhằm một mặt thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc theo học sư phạm, mặt khác tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích SV theo học các khóa đào tạo liên tục để trở thành GV có trình độ thạc sĩ, tạo nguồn lực chất lượng cao cho đổi mới GDPT.
Kinh nghiệm của các trường đại học những năm gần đây trong việc áp dụng đồng bộ các chính sách tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chính sách tiền lương theo trình độ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và đóng góp thực tế của giảng viên nên được nghiên cứu vận dụng vào thực tế quản lý GDPT.
Tác giả: Nhật Hồng
Nguồn tin: Báo Dân trí