Quảng cáo cho rầm rộ rồi lặng lẽ rút
Liên quan tới đề xuất làm cáp treo 1.500 tỷ đồng đi qua Cồn Sơn và Cồn Khương... PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ rất ngạc nhiên, cho rằng không cần thiết.
Một góc Cồn Khương. Ảnh: meodulich |
Theo ông Tuấn, du khách muốn đi du lịch ra Cồn Sơn và Cồn Khương thì chỉ cần có một cây cầu bắc qua sông là được, không nhất thiết phải làm cáp treo.
"ĐBSCL đã có rất nhiều dự án được quảng bá, kêu gọi đầu tư rầm rộ, với quy mô lớn, nguồn vốn cao lên tới hàng vài trăm triệu USD nhưng cuối cùng đều lặng lẽ chết, chủ đầu tư phải bỏ chạy, không thể thực hiện được.
Tôi cũng không đặt nhiều kỳ vọng dự án cáp treo sẽ mang đến sự đột phá cho Cần Thơ và chủ đầu tư.
Cần phải nhìn vào thực tế là đời sống, thu nhập của người dân ĐBSCL rất thấp, không có khả năng đi cáp treo.
Dự án nếu không phải thực hiện để phục vụ một nhóm du khách giàu có, có tiền thì cũng không phải thực hiện để phục vụ những người dân ĐBSCL. Vì thế, với tư cách cá nhân, tôi đề nghị phải xem xét lại dự án, đặc biệt là tính hiệu quả dự án mang lại để tránh tình trạng chủ đầu tư lại "bỏ của chạy lấy người" như các dự án trước đó", ông Tuấn chia sẻ.
Nhiều nguy cơ
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Cần Thơ cho biết, dự án mới đang trong giai đoạn hình thành ý tưởng, chưa hề có bất cứ một báo cáo đánh giá, khảo sát nào.
"Tất cả chỉ là ý tưởng, là phần gạch đầu dòng của cấp dưới để báo cáo lên cấp trên chứ hoàn toàn chưa có khảo sát, đánh giá tác động môi trường, chưa có bất cứ động thái nào liên quan tới dự án này. Muốn đánh giá được tác động của dự án tới môi trường sinh thái, tới dòng chảy thì phải có thiết kế chi tiết", PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.
Vị PGS cảnh báo, nếu Cần Thơ muốn thực hiện dự án như đang được quảng bá, để kết nối phát triển du lịch trên hai cồn nổi Cồn Sơn và Cồn Khương thì phải lưu ý nhiều vấn đề.
"Với các khu chức năng: Khu du lịch, vui chơi, giải trí; Nhà điều hành; Khu đón tiếp; Tuyến cáp treo; Khu xử lý rác thải; và các khu chức năng khác…
Dự án cũng được tính toán dự kiến thực hiện trên diện tích mặt nước, mặt đất khoảng 60ha. Tuyến cáp treo sẽ có chiều dài 10km, bắt đầu từ đường CMT8 đến cồn Sơn, cồn Khương... Cần Thơ sẽ phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn nếu công tác quản lý không tốt.
Sự xuất hiện của rất nhiều người cùng những hoạt động ăn chơi, nghĩ dưỡng, sinh hoạt trên hai cồn sẽ gây ra nhiều bất ổn. Do đó, vấn đề này phải được tính toán rất kỹ", ông Tuấn lưu ý.
Trong khi đó, GS.TS Lê Quang Trí, nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, trường Đại học Cần Thơ cho rằng, vấn đề ông lo ngại nhất là hiện tượng sói lở.
Ông Trí cảnh báo, khi phát triển du lịch bắt buộc phải triển hạ tầng và các hoạt động dịch vụ, nghỉ dưỡng kèm theo, như vậy sẽ rất nguy hiểm.
"Đầu tiên là việc xây dựng cáp treo đi cùng với đó là việc xây dựng các mố cầu, trụ cầu, việc khoan lắp sẽ vô cùng phức tạp. Với địa hình của ĐBSCL, nếu muốn xây dựng cáp treo thì thiết kế phải tương đương như cầu Cần Thơ mới có thể chịu nổi sức lún. Như vậy về mặt kỹ thuật cũng rất phức tạp, khó khăn và tốn kém mới bảo đảm được an toàn.
Tiếp theo, nếu muốn xây dựng cáp treo cũng như phát triển dự án du lịch tại hai cồn trên bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động môi trường cũng như thực hiện báo cáo điều tra tác động sói lở tại khu vực này.
Hiện nay, nguy cơ sói lở, thay đổi dòng chảy tại hai cồn này cũng đang trong phạm vi cần cảnh báo.
Trong trường hợp hai cồn bị sói lở, tốc độ dòng chảy sẽ bị thay đổi, tốc độ chảy nhanh hơn, diện tích mặt chảy cũng rộng hơn, nguy cơ sỏi lở cho toàn vùng chứ không còn riêng Cồn Sơn, Cồn Khương nữa", GS Lê Quang Trí nhấn mạnh.
Tác giả: Lam Nguyên
Nguồn tin: Báo Đất việt