Đan lưới lập nghiệp
Theo những người làm nghề lưới truyền thống ở Thơm Rơm, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt nghề đan lưới có nguồn gốc từ Huế vào, được cha truyền con nối đến nay trên hàng chục năm. Trước đây, các tiệm lưới chủ yếu tận dụng nhân công gia đình. Còn đa phần phụ nữ sống nhờ nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh và không tận dụng được thời gian nhàn rỗi. Những năm gần đây, nắm bắt sự phát triển của các cơ sở kinh doanh lưới, ngư cụ, Hội LHPN phường Tân Hưng giới thiệu hội viên vào làm ở các cơ sở và nhận hàng về gia công. Từ đó, nhiều tổ, đội, câu lạc bộ đan lưới được thành lập, không chỉ mang lại việc làm, ổn định đầu ra mà còn nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong công việc, gia đình.
Chỉ tính riêng tại xóm đan lưới Thơm Rơm có khoảng hơn 30 hộ chuyên sản xuất, kinh doanh. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, mỗi hộ thường thuê từ 20 - 30 lao động, góp phần giải quyết việc làm hiệu quả cho lao động địa phương và các quận, huyện lân cận như Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ. Chị Nguyễn Kim Thương ở khu vực Tân Lợi 1 từng làm thuê tại xưởng sản xuất ngư cụ. Nhờ tích lũy kinh nghiệm và may đều tay, chị Thương nhận hàng về nhà gia công. Chị Thương phấn khởi cho biết: "Hiện xóm lưới đang vào mùa cao điểm. Ngoài quán xuyến việc nhà, mỗi ngày, tôi có thể kiếm 180.000 đồng từ việc gia công lưới".
Còn chị Võ Thị Muội ở quận Ô Môn thì phấn khởi cho hay, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn. Ít ai biết rằng, chị Muội từng gặp phải hoàn cảnh khó khăn, một mình bươn chải nuôi hai con nhỏ. Nhờ chăm chỉ, siêng năng, chị tập trung vào nghề đan lưới làm kế mưu sinh. Công việc mang lại thu nhập ổn định, giúp chị nuôi con ăn học đàng hoàng, hiện là sinh viên đại học.
Từ tháng 7 – 10 âm lịch là thời gian cao điểm nghề đan lưới tạo việc làm, thu nhập cho nhiều chị em ở Cần Thơ. |
Tay cầm con thoi đưa nhanh, thoăn thoắt buộc từng nút phao vào lưới chắc chắn, gọn đẹp và đúng kỹ thuật, chị Muội bộc bạch: “Tôi lựa chọn công việc này vì không quá nặng nhọc và không đòi hỏi trình độ học vấn, chỉ cần nhanh tay, tỉ mỉ. Nhờ lưới sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu là nhạy, dễ dính cá, thích nghi địa thế kinh, mương, sông, lạch, sản phẩm bán rất chạy nên nghề đan lưới giúp tôi có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống”.
Giá tăng, đầu ra ổn định
So với năm năm trước, hiện nay giá bán nhiều loại ngư cụ vẫn khá ổn định, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. Giá lưới mùng đang ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg; lưới bén loại thường 55.000 - 200.000 đồng/tay (chiều dài 80m - 100m), một số loại lưới cao cấp có giá 250.000 - 500.000 đồng/tay; lú giá 270.000 - 400.000 đồng/cái; chài nhỏ khoảng 280.000 - 400.000 đồng/cái, chài lớn 500.000 - 800.000 đồng/cái, dớn 35.000 - 200.000 đồng/cái… Theo nhiều tiệm lưới, năm nay giá thuê nhân công và một số nguyên liệu phục vụ sản xuất ngư cụ đã tăng gần 10% so với năm trước. Nhưng nhiều cơ sở vẫn giữ ổn định định giá bán sản phẩm để giữ chân khách hàng và mong muốn tăng lợi nhuận từ việc tăng số lượng hàng sản xuất và bán ra.
Nghề đan lưới tạo việc làm cho nhiều phụ nữ giúp ổn định đời sống. |
“Nghề lưới ở Thơm Rơm làm quanh năm, nhưng tập trung mạnh nhất là từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Năm nào lũ lớn thì nhu cầu mua lưới của người dân cũng tăng cao”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ một cơ sở ở đây cho hay. Hiện mỗi ngày, cơ sở của chị Hà cung cấp ra thị trường hàng trăm tay lưới. Năm nay làng nghề này còn ra sản phẩm mới là lưới xếp (còn gọi là lưới 12 cửa ngục) được bán rất chạy. Giá loại này giao động từ 500.000 đến 2 triệu đồng/tay (tùy theo dài ngắn).
Thống kê của Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, làng nghề đan lưới Thơm Rơm góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động chuyên nghiệp và khoảng 500 lao động thời vụ trên tổng số 2.250 lao động. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 80.000 - 180.000 đồng/người/ngày. Doanh thu hằng năm của làng nghề ước đạt 40 - 45 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tương đối khá trong ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của phường Tân Hưng, góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Tác giả: THIÊN HƯỚNG
Nguồn tin: Báo Dân sinh