Peter Mattis, nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Jamestown, tác giả cuốn "Phân tích quân đội Trung Quốc 2015", đưa ra những nhận định về cách thức tuyển mộ gián điệp của tình báo Bắc Kinh qua các vụ bắt giữ điệp viên tiêu biểu nhất gần đây là Larry Wu-Tai Chin năm 1985, Kou Tai-Shen năm 2008 và Glenn Duffie Shiver năm 2010.
Larry Wu-Tai Chin được tình báo Trung Quốc tuyển mộ khi đang làm việc cho cơ quan ngoại giao Mỹ ở Nam Kinh trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949. Suốt hàng chục năm sau đó, Chin liên tục gửi báo cáo cho tình báo Trung Quốc và có thể đã nhận hơn một triệu USD tiền thù lao, cho đến khi bị bắt năm 1985.
Trong quá trình hoạt động, Chin vài lần bí mật đến Trung Quốc qua Hong Kong để gặp gỡ và báo cáo. Khi Chin muốn chuyển tài liệu, ông ta sẽ gửi một lá thư tới một căn hộ ở Hong Kong để quy định địa điểm gặp gỡ tại Canada, nơi ông ta chuyển các tài liệu cho một người liên lạc.
Kou Tai-Shen, một công dân Mỹ làm nghề bán nội thất ở Lousiana, được tình báo Bắc Kinh tuyển mộ trong thập niên 1990 sau những chuyến công tác ở Trung Quốc.
Lấy vợ người Đài Loan và có quen biết với các quan chức trên hòn đảo, nhưng Kou lại không thể tiếp cận trực tiếp với các thông tin của chính phủ Mỹ thông qua các mối quan hệ của mình. Tình báo quân đội Trung Quốc đại lục đã chỉ đạo Kou phát triển các mối quan hệ trong Lầu Năm Góc, và ông ta đã thành công trong việc tuyển mộ James Fondren và Gregg Bergersen làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Fondren là một cựu sĩ quan quân đội nghỉ hưu, được tái tuyển dụng làm việc tại văn phòng Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ ở Washington. Kou đã đặt hàng Fondren viết nhiều bản đánh giá chính sách của Mỹ.
Bergersen làm việc tại cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng, đã cung cấp nhiều thông tin mật cho Kou về các thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vì tưởng Kou làm việc cho Đài Bắc. Kou đã thuyết phục Bergersen thành lập một doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí khi ông này về hưu để bán các thiết bị quân sự cho đảo Đài Loan.
Dù tình báo Trung Quốc chỉ gặp Kou ở Trung Quốc nhưng vẫn cung cấp người truyền tin và hướng dẫn ông ta liên lạc bí mật bằng email.
Điệp viên Glenn Duffie Shiver trong phòng giam sau khi bị bắt. Ảnh: New York Daily News
Glenn Duffie Shiver, một sinh viên Mỹ mới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc, được cơ quan tình báo Bắc Kinh chú ý qua một cuộc thi viết bài luận về quan hệ Mỹ - Trung. Trên thực tế, cuộc thi viết luận này là một hình thức để thu hút các cá nhân có giá trị tình báo lâu dài cho cơ quan tình báo Trung Quốc.
Shiver đã gặp gỡ một nhân viên tình báo Trung Quốc khoảng 20 lần và tiếp xúc với ít nhất một hoặc hai người khác kể từ lần tiếp cận đầu tiên hồi 2004. Anh này bị bắt vào hè 2010, trong lần thứ ba tìm cách gia nhập lực lượng an ninh quốc gia Mỹ, lần này là nộp đơn xin vào CIA.
Trước đó, Shiver hai lần nộp đơn vào Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng đều không qua được kỳ thi kiểm tra công tác đối ngoại. Với những nỗ lực gia nhập lực lượng an ninh quốc gia Mỹ này, Shiver được tình báo Trung Quốc trả 70.000 USD. Anh ta chưa bao giờ gặp các sĩ quan tình báo Bắc Kinh ngoài lãnh thổ Trung Quốc và chỉ sử dụng email thay vì các trang thiết bị liên lạc đặc biệt khác.
Theo Mattis, các trường hợp trên cho thấy tình báo Trung Quốc có 4 thủ đoạn để tuyển mộ điệp viên nước ngoài đáng chú ý.
Thứ nhất, các điệp viên được tình báo Bắc Kinh tuyển mộ thường có một khoảng thời gian nhất định ở Trung Quốc.
Hai là, tình báo Trung Quốc thường áp dụng và khai thác các động cơ truyền thống như lòng tham, khác biệt hệ tư tưởng, mong muốn thể hiện cái tôi hoặc lòng phấn khích. Đối tượng thường dễ mua chuộc bằng tiền và có nhiều tật xấu khác.
Ba là, các đối tượng không cần phải có khả năng tiếp cận trực tiếp các tài liệu nhạy cảm hoặc quý giá, mà chỉ cần thể hiện nỗ lực tìm cách có được nó. Chẳng hạn như trong các hoạt động tình báo chống Đài Loan, phần lớp điệp viên Đài Loan mà tình báo Trung Quốc đại lục tuyển mộ là những nhân viên chính quyền, lực lượng vũ trang về hưu, hoặc doanh nhân, những người sau đó quay trở lại Đài Bắc để có thể moi tin tức từ đồng nghiệp và bạn đồng niên.
Bốn là, tình báo Trung Quốc quản lý hầu hết các điệp viên chủ yếu từ trong nước, không có các sĩ quan tình báo điều phối hoạt động ở nước ngoài, chỉ có vài trường hợp tình báo Trung Quốc điều hành hoạt động tình báo bí mật bên ngoài lãnh thổ và gặp gỡ điệp viên ở các nước thứ ba.
"Hoạt động gián điệp của Trung Quốc cho thấy cách thức các cơ quan tình báo nước này hỗ trợ những nhà hoạch định chính sách chiến lược. Trên thực tế, Trung Quốc điều hành các hệ thống chuyên nghiệp khác nhau để thực thi các nhiệm vụ như gây ảnh hưởng hoặc hoạt động ngầm, thu thập thông tin khoa học nước ngoài, giám sát người Hoa hải ngoại, và các lĩnh vực tình báo khác", Mattis nhận định.
Tác giả bài viết: Duy Sơn