Kinh tế

Các nền kinh tế lớn chao đảo vì xung đột và phong tỏa

Các hoạt động kinh tế từ Mỹ, Anh tới Đức đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine và đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal, tăng trưởng kinh tế giảm tốc ở nhiều nơi trên toàn cầu. Hoạt động kinh doanh bị gián đoạn bởi xung đột Nga - Ukraine, các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc và lạm phát tăng cao. Đức, Mỹ và Anh đều chứng kiến các hoạt động kinh tế sụt giảm nghiêm trọng vào tháng 4.

Cuộc chiến ở Ukraine khiến giá cả leo thang, nhu cầu sụt giảm và làm cản trở quá trình phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Cùng với đó là lạm phát tăng cao do các gói kích thích tài khóa và tiền tệ lớn trong thời kỳ dịch bệnh.

Theo ông Ambrose Crofton - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra cú sốc nguồn cung toàn cầu. Đáng nói, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hoạt động kinh doanh ở nhiều nền kinh tế bị gián đoạn bởi xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters.

Chi phí leo thang

"Ngoài những tác động rõ ràng mà chiến tranh gây ra cho giá năng lượng toàn cầu, Nga còn là nước xuất khẩu nhiều hàng hóa quan trọng như kim loại công nghiệp và phân bón", ông Crofton nhận định.

"Do đó, giá hàng hóa và thực phẩm có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, tạo sức ép lớn cho người tiêu dùng", ông cảnh báo.

Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tốc độ tăng trưởng của các hoạt động kinh doanh vào tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng. Theo tính toán của S&P Global, chỉ số quản lý thu mua (PMI) tổng hợp của Đức lao dốc từ 55,1 vào tháng 3 còn 54,5 trong tháng 4.

Tính từ tháng 6/2020, đây là lần sụt giảm sản lượng sản xuất đầu tiên của Đức. Theo các cuộc khảo sát, lĩnh vực ôtô bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Công ty Bayerische Motoren Werke AG (BMW) của Đức cho biết doanh số bán hàng toàn cầu đã giảm khoảng 6% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021.

BMW cho rằng nguyên nhân là "căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và các đợt phong tỏa tại Trung Quốc".

Ông Rolf Breidenbach - Giám đốc điều hành của nhà cung cấp phụ tùng ôtô Hella KGaA Hueck & Co. - chỉ ra "tình trạng thiếu hụt nguồn cung lớn đối với một số linh kiện, vật liệu". Cùng với đó là các đợt bùng phát Covid-19 mới, nhất là ở thị trường Trung Quốc.

Hơn 50% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ của Đức được nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Reuters.

Hôm 22/4, Ngân hàng Bundesbank cảnh báo rằng lệnh cấm vận đối với năng lượng Nga sẽ làm sản lượng kinh tế của Đức lao dốc khoảng 5%, gây ra suy thoái và gia tăng lạm phát. Hơn 50% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ của Đức được nhập khẩu từ Nga.

Còn ở Mỹ, theo khảo sát của S&P Global, tăng trưởng hoạt động kinh doanh của các công ty chậm hơn so với tháng 3. PMI của nền kinh tế Mỹ đạt 55,1, giảm so với 57,7 hồi tháng 3, và là mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.

"Nhu cầu bị kìm nén trong thời kỳ đại dịch giờ phục hồi mạnh mẽ. Nhưng các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức gia tăng từ lạm phát, chuỗi cung ứng đình trệ và thiếu hụt lao động", ông Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng tại S&P Global - bình luận.

PMI đối với ngành dịch vụ tại Mỹ giảm từ mức 58 hồi tháng 3 xuống còn 54,7 trong tháng 4. Giá của các dịch vụ cũng tăng cao bởi doanh nghiệp tìm cách chuyển gánh nặng chi phí sang cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, PMI của ngành sản xuất đạt 59,7, mức cao nhất trong vòng 7 tháng. Các nhà sản xuất đang tìm cách mở rộng lực lượng lao động nhằm giải quyết số lượng lớn đơn hàng.

Niềm tin kinh doanh lao dốc

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,6%, giảm mạnh từ mức 6,1% hồi năm ngoái. Tổ chức này cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm gia tăng những trở ngại đối với nền kinh tế thế giới, vốn đã chao đảo vì dịch bệnh.

IMF cũng cảnh báo về tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vì các đợt phong tỏa ở Trung Quốc - trung tâm sản xuất và thương mại trên toàn cầu.

Chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế vốn đã lao đao vì cuộc suy thoái trong ngành bất động sản, công nghệ và giáo dục.

"Chúng tôi lo ngại rằng so với năm 2020, Trung Quốc có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn", bà Winnie Wu - chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc tại Bank of America Securities - nhận định.

Các công ty đang dè chừng hơn trong việc tuyển dụng và chi tiêu, bởi nhu cầu lao dốc, triển vọng kinh tế ảm đạm và niềm tin rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục suy thoái

Ông Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng tại S&P Global

Theo bà Wu, đầu tiên, hồi năm 2020, các hạn chế chỉ tập trung ở một tỉnh, thay vì phong tỏa trên diện rộng như thời điểm hiện tại. "Điều đó dẫn tới sự gián đoạn với quy mô lớn trong hoạt động vận tải và hậu cần", bà nhận định.

Thêm vào đó, nguy cơ phong tỏa kéo dài khi dịch bệnh đã xuất hiện được 3 năm khiến người tiêu dùng không còn sẵn sàng chi tiêu. Tình trạng bất ổn liên quan tới đại dịch cũng làm suy yếu niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn ở Anh, các cuộc khảo sát của S&P Global chỉ ra tăng trưởng kinh tế trong tháng 4 đã giảm tốc mạnh. PMI tổng hợp tại Anh giảm từ mức 60,9 vào tháng 3 xuống còn 57,6 trong tháng 4.

Các doanh nghiệp gặp trở ngại vì chi phí leo thang và nhu cầu sụt giảm vì những bất ổn kinh tế liên quan tới xung đột Nga - Ukraine. Niềm tin của doanh nghiệp đã lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.

"Các công ty đang dè chừng hơn trong việc tuyển dụng và chi tiêu, bởi nhu cầu lao dốc, triển vọng kinh tế ảm đạm và niềm tin rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục suy thoái", ông Williamson giải thích.

Theo dữ liệu chính thức, doanh số bán lẻ tại Anh đã giảm 1,4% trong tháng 3. Niềm tin của người tiêu dùng cũng lao dốc xuống sát mức kỷ lục vào tháng 4.

"Anh đang đứng trên bờ vực suy thoái. Lạm phát thậm chí có thể chạm mức 8% hoặc cao hơn trong năm nay", Phó giám đốc Emma-Lou Montgomery tại Fidelity International cảnh báo.

Tác giả: Thảo Phương

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP