Được triển khai tại TP HCM vào giữa tháng 5-2018 bắt đầu ở 5 quận, đến nay, dịch vụ gọi món GrabFood của Grab đã có mặt tại tất cả các quận, huyện. Đầu tháng 8 vừa qua, cũng tại TP HCM, Zalo Group đưa vào thử nghiệm dịch vụ Zalo Food với phiên bản beta xuất hiện trên ứng dụng của một số người dùng.
Đua nhau mở dịch vụ
Cùng thời điểm trên, ứng dụng GO-VIET của nền tảng công nghệ đa dịch vụ lớn nhất tại Indonesia là GO-JEK cũng bắt đầu bằng dịch vụ kết nối vận tải, giao hàng và thai nghén dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ, thanh toán điện tử…
Trước đó, tên tuổi của Delivery Now (Foody) ăn sâu vào tâm trí người dùng với thói quen nhắc đến đặt món là nhớ tới Foody.vn. Ngoài Foody, sân chơi còn ghi nhận gương mặt chiếm thị phần mức khá là Vietnammm.com của Tập đoàn Takeaway đến từ Hà Lan với sự hợp tác của hơn 2.000 nhà hàng trên cả nước. Trong khi đó, Lala - một dự án của Scommerce hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ - được coi là một trong số ít ỏi dịch vụ giao đồ ăn của ông chủ Việt Nam. Ngoài ra, thị trường còn có những cái tên như eat.vn (do VCCorp mua lại của nhà sáng lập người Thụy Điển), chonmon.vn (cũng của VCCorp)…
Theo các đơn vị kinh doanh dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến, thời điểm hiện tại đánh dấu cuộc chiến mới trong lĩnh vực này. Sự cạnh tranh trở nên sôi động hơn khi các ứng dụng gọi xe, phần mềm nhắn tin, gọi điện được tích hợp thêm gọi món. Các hãng không chỉ đua nhau ưu đãi, giảm giá mà còn chú ý hơn đến dịch vụ, cải thiện thời gian giao hàng.
Địa chỉ số 1 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM là điểm "tập kết" nhận đồ ăn của Foody, tập trung khoảng 9-10 quầy hàng của các cửa hàng, quán ăn có lượt khách gọi đông. Đồ ăn được chế biến, đóng gói tại đây trước khi chuyển cho đội ngũ giao hàng. Theo nhân viên bán hàng của Cơm trưa Bula, với việc cho mượn quầy miễn phí, Foody khuyến khích các cửa hàng bán đồ ăn đẩy mạnh đặt món qua ứng dụng này. Chị Kiều, nhân viên bán hàng của Quán cơm Huỳnh Ký, cho hay mỗi buổi trưa, quán nhận hơn 30 đơn hàng tại điểm tập kết số 1 Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu có mã giảm giá, mỗi ngày, quầy của chị có thể nhận 40-50 đơn hàng. Nhiều cửa hàng khác cũng xác nhận doanh thu tăng 20%-30% khi tham gia gian hàng đặt món trực tuyến.
Nhân viên Foody nhận đồ ăn tại điểm "tập kết" trước khi giao hàng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Mảnh đất màu mỡ
Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trị giá khoảng 33 triệu USD trong năm nay và dự báo đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường này là 11%/năm. Phần lớn miếng bánh nằm trong tay doanh nghiệp (DN) nước ngoài như: Foody với SEA của Singapore nắm quyền chi phối, Grab với ông chủ người Malaysia và sau này sẽ là GO-VIET của Indonesia…
Theo bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Grab Việt Nam, nghiên cứu về người dùng của Grab cho thấy phần lớn khách hàng Việt Nam hào hứng trải nghiệm những điều mới lạ sẽ chọn nền tảng giao nhận thức ăn có dịch vụ đáng tin cậy, nhiều món phong phú với tốc độ giao hàng nhanh và tiết kiệm nhất. GrabFood đáp ứng những nhu cầu này của khách hàng khi trên cùng một ứng dụng có thể thỏa mãn mọi nhu cầu, từ kết nối di chuyển đến giao nhận hàng hóa, thức ăn… Còn Foody nhờ nhanh chân đi tiên phong nên nhận diện thương hiệu đã rất vững chắc.
Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh đánh giá thói quen tiêu dùng thay đổi là mảnh đất màu mỡ cho các dịch vụ gọi món, giao đồ ăn. Tuy nhiên, quy mô tiềm năng thị trường lớn không có nghĩa là cơ hội cho DN Việt sẽ nhiều. "Trong kinh doanh online, đối thủ nào vươn lên dẫn trước sẽ tạo lợi thế rất lớn bởi người dùng rất ngại thay đổi ứng dụng. DN vào sau buộc phải có ưu thế vượt trội hoặc xây dựng thương hiệu ở thị trường ngách làm điểm tựa để phát triển trở lại thị trường chính" - ông Lại Tiến Mạnh nhìn nhận.
Mặt khác, ông Mạnh cũng cho rằng trong lĩnh vực đặt món trực tuyến, DN "chậm chân" có khi lại hưởng ưu thế hơn DN đi khai phá. Bởi lẽ, đối thủ đi trước dọn đường, đào tạo thị trường sẽ giúp DN đi sau hưởng kinh nghiệm miễn phí và lượng khách hàng có sẵn. Nếu DN trong nước biết tận dụng, đây không phải là cơ hội tồi. Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, nhận diện thương hiệu không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng là chất lượng dịch vụ.
"Đây là dịch vụ đòi hỏi tốc độ giao hàng, sự chuyên nghiệp, chính xác. Tất cả điều đó công ty nước ngoài có vẻ làm tốt hơn. Họ có quy trình đào tạo nhân viên, công cụ theo dõi và áp chế nhân viên phải tuân thủ nguyên tắc phục vụ khách hàng. Trong khi đó, nhìn chung thì trình độ tổ chức của DN nội kém hơn, kỷ luật lao động cũng rất kém" - ông Mạnh nhận xét.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng cho rằng thái độ phục vụ, kỹ năng bảo quản đồ ăn trong quá trình giao nhận, khả năng chịu rủi ro trong tình huống phải trả tiền mua hộ và người dùng không nhận món… là những rào cản để DN nội có thể thành công ở thị trường này. "Tuy không phải lo lắng chi phí kho bãi hay hàng tồn nhưng không phải DN giao nhận nào cũng sẵn sàng tích hợp thêm dịch vụ giao đồ ăn bởi tính chất khó bảo quản, chiến lược marketing đòi hỏi bài bản, rủi ro không nhỏ" - ông Phú nhấn mạnh.
Khách phàn nàn nhưng vẫn gọi Tuy nằm trong tay DN nước ngoài song không phải dịch vụ giao đồ ăn nhận được sự đánh giá hoàn hảo. Chị Thanh Hoàn (Hà Nội) phản ánh đồ ăn đặt qua Foody khi giao đến tay còn khá ấm nóng, chất lượng bảo đảm nhưng thời gian chờ đợi rất lâu. Chị Phan Thùy Trang (Hà Nội) phàn nàn phụ thu phí dịch vụ và phí giao hàng cho đơn hàng dưới 100.000 đồng ở một trang đặt món khá cao, dẫn đến đội giá. Do đó, khách thường phải chọn đồ giá trên 100.000 đồng. Ngoài ra, nếu đặt 2 món tại 2 cửa hàng khác nhau thì đơn hàng không được gộp lại giao chung, gây bất tiện khi nhận. "Dù vậy, do đặc thù công việc văn phòng, tôi vẫn chọn gọi món qua các ứng dụng" - chị Trang khẳng định. |
Tác giả: Phương Nhung
Nguồn tin: Báo Người Lao Động