Trong nước

Bộ trưởng Giao thông: “Người dân chấp nhận trả phí thì đi trên đường cao tốc”

Giải trình trước Quốc hội về dự án đường cao tốc Bắc Nam tuyến phía Đông, chiều 14/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Chúng ta làm đường mới và tổ chức thu phí. Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi trên đường cao tốc, còn không thì người dân có thể chọn lựa đi con đường hiện nay đã có”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường chiều 14/11 (Ảnh: Quochoi.vn).

Tránh chuyện “đầu chuột, đuôi voi”

Góp ý về dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam tuyến phía Đông chiều 14/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đồng tình với việc xây dựng một số đoạn đường cao tốc giai đoạn 2017-2020 vì có vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Phương dẫn chứng, thời gian qua Quốc lộ 1A mở rộng 4 làn xe nhưng chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt, đến giờ nhiều đoạn bắt đầu ùn tắc như Ninh Bình, Thanh Hoá, Dầu Giây- Phan Thiết.

Hơn nữa, muốn phát triển kinh tế phải có cơ sở hạ tầng hiện đại. Đường cao tốc với tốc độ bình quân hiện nay là 80km/h, nếu có đường cao tốc có tốc độ từ 100-120km/h thì vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, phí và hạn chế tai nạn giao thông.

“Dự án đường cao tốc của Chính phủ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung khắc phục những hạn chế do BOT thời gian qua, chuyển từ chỉ định thầu sang đấu thầu, làm đường mới, không lặp lại những gì mà người dân không đồng tình trên cơ sở, tinh thần công khai, dân chủ, minh bạch”- ông Phương nhận xét.

Tuy nhiên, để thực hiện dự án có hiệu quả, vị đại biểu tỉnh Quảng Bình kiến nghị phải có tầm nhìn dài hạn về quy mô, tránh đầu tư xong không có xe đi hoặc không sử dụng hết công suất gây lãng phí.

“Chính phủ phải quan tâm giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh 1 lần, cắm mốc lộ giới ổn định cuộc sống, hạn chế chi phí đền bù trong thời gian tiếp theo. Quy hoạch phải lưu ý độ cao vì đường trong dự kiến quy hoạch chỉ có mặt rộng lề đường nhưng không có quy định độ cao nên có tình trạng khi làm đường thì đường cao, nhà thấp”- ông Phương góp ý.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị chỉ áp dụng hình thức BOT với tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân và tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu.

“Phải lấy ý kiến của người dân, quy định vị trí đặt trạm, công nghệ thu phí để đảm bảo chỉ nộp tiền khi sử dụng đường và đúng số km sử dụng”- ông nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị tránh chuyện “đầu chuột đuôi voi”, các dự án đưa ra ban đầu ít kinh phí nhưng quá trình thực hiện lại thiếu và liên tục xin thêm.

“Đây là dự án rất lớn, cần tổ chức ban quản lý dự án chuyên nghiệp, trách nhiệm và quyết liệt, đừng để chậm tiến độ vì sẽ phát sinh rất nhiều kinh phí”- ông Trí mong mỏi.

Rút kinh nghiệm các dự án BOT trước đây để làm tốt hơn

Giải trình với đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cam kết khi Quốc hội thông qua sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để thực hiện dự án tốt nhất.

Về quy mô đầu tư, do kinh phí có hạn nên đã chọn lựa một số đoạn có lưu lượng hiện nay rất cao, nếu làm chậm thì sau năm 2020 sẽ ách tắc nghiêm trọng.

“Tất cả đường giao đều có hàng rào bảo vệ, đảm bảo tốc độ thiết kế thấp nhất từ 80-100km/h. Do đó có thể nói đây là con đường sẽ tạo động lực rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội”- ông Thể nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ Giao thông vận tải đã rút kinh nghiệm, sơ kết 5 năm thực hiện các dự án BOT trên Quốc lộ 1. “Toàn bộ khiếm khuyết chúng tôi đã nhìn thấy và sẽ khắc phục bằng cách tổ chức đấu thầu toàn bộ các dự án BOT. Đấu thầu lần một lần không xong thì báo cáo với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội để tiếp tục đấu thầu lần 2. Nếu chậm và không sử dụng hết được vốn ngân sách thì xin cơ chế Quốc hội uỷ quyền cho Thường vụ Quốc hội để sử dụng hết 5.000 tỷ đang có”- Bộ trưởng Giao thông nói.

Về thu phí, tư lệnh ngành giao thông cam kết sẽ tổ chức thu phí kín, vào ra bao nhiêu km thì sẽ trả bấy nhiêu tiền chứ không thu phí hở nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch.

“Chúng ta làm đường mới và tổ chức thu phí, nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi trên đường cao tốc, còn không thì người dân có thể chọn lựa đi con đường hiện nay đã có”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.

Có 2 vấn đề mà Bộ trưởng Giao thông rất mong Quốc hội ủng hộ, đó là lộ trình thu phí và giải phóng mặt bằng.

“Nếu Quốc hội không ủng hộ phương án thu giá theo lộ trình cụ thể thì việc huy động vốn sẽ cực kỳ khó khăn. Đây là nền tảng để chúng ta có thể thuyết phục nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ, đảm bảo thu hồi được vốn”- ông Thể phân trần.

Hơn nữa, việc giải phóng mặt bằng được coi là việc hết sức khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến dự án. “Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương thì trong năm 2018 Chính phủ phải phê duyệt được dự án. Chúng tôi sẽ điều tra, khảo sát kỹ đồng thời tiến hành các bước để làm sao giữa 2019 có thể khởi công dự án và hoàn thành vào năm 2021. Chúng ta chỉ có 1,5 năm để lập dự án, phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Mong đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, chính quyền địa phương ủng hộ để thực hiện tốt công tác này”-ông Thể nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ kêu gọi người dân hi sinh một phần để nhường đất cho công trình trọng điểm quốc gia, vì lợi ích quốc gia.

“Đây là công trình mang lại lợi ích rất lớn cho quốc gia. Chúng ta kết nối thành phố lớn, trung tâm lớn, khu công nghiệp để làm sao đột phá về kinh tế, ngân sách, hỗ trợ cho các địa phương khó khăn khác. Nếu giải phóng mặt bằng tốt, có vốn thì Bộ Giao thông vận tải sẽ rút kinh nghiệm của giai đoạn trước đây để triển khai dự án tốt nhất”- ông Thể hứa.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP