Trong nước

Biến tư duy kinh tế thành hiện thực cho nền nông nghiệp của Đồng bằng

Ngày 14/12, tại Cần Thơ diễn ra hội thảo "Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu".

Đồng bằng sông Cửu Long

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với mùa không lũ. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Hội thảo do trường Đại học Cần Thơ phối hợp với nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức với mục tiêu tìm giải pháp thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP CTU sau một năm ban hành.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đóng góp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của quốc gia.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững cho khu vực này.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nếu không có một Ban điều hành hoặc Ban điều phối cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì “đừng nói đến thực hiện Nghị quyết 120”.

Do đó, theo ông Hoan, một trong những ưu tiên hàng đầu là cần thống nhất sớm hiện thực hoá quan điểm của Thủ tướng tại Hội nghị phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với điều kiện của vùng. Trong đó, Bí thư Đồng Tháp đặc biệt nhấn mạnh cần phải chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp".

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, một trong những thành phần vô cùng quan trọng để hiện thực hoá quan điểm đó chính là đội ngũ các chuyên gia và các nhà khoa học từ các viện, trường cùng nối kết với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi.

Theo ông, tư duy sản xuất đã định hình trong một thời gian dài với tôn chỉ lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu của chính quyền, ngành chuyên môn và người nông dân, mà câu chuyện lúa ba vụ là một điển hình. "Bây giờ là lúc chúng ta bớt đi những tác hại của cách làm như vậy và hãy cùng nhau hành động để biến tư duy kinh tế thành hiện thực cho nền nông nghiệp của Đồng bằng", ông Lê Minh Hoan nói.

Cho rằng thương hiệu vùng hiện còn rời rạc, manh mún, Bí thư Đồng Tháp đề xuất các tỉnh nên phối hợp để đẩy mạnh thương hiệu vùng Mekong Delta bởi người nước ngoài có thể không biết Đồng Tháp hay An Giang nhưng lại biết tới Mekong Delta, là vùng đồng bằng phì nhiêu, trù phú của Việt Nam.

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đề xuất cần thành lập một ban chỉ đạo để thực hiện Nghị quyết 120. Bà Phụng cho biết, với Kiên Giang, những mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã không còn là kịch bản, là dự báo nữa mà đã hiện thực bởi sự xâm nhập mặn, sự khan hiếm nước ngọt trong mùa khô, và thời tiết khắc nghiệt, bất thường vào mùa mưa; gây thiệt hại trong sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của người dân.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Kiên Giang cụ thể hóa với tinh thần “chủ động - thích ứng”, nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; lấy người dân làm trọng tâm, góp phần nâng cao sinh kế và nâng mức sống của người dân nông thôn, từng bước tiếp cận mức sống của người dân đô thị.

Trên cơ sở đó, cùng các điều kiện đang có, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện phân vùng sản xuất theo từng tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn; chủ động dần trong từng khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm nông, lâm, thủy sản tạo chuỗi khép kín; từng bước thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; xoay trục vào nhóm sản phẩm nông nghiệp thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo.

Bà Lê Thị Minh Phụng đề nghị các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần thống nhất kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài cho đầu tư, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu chung cho toàn vùng.

Cùng với đó, thành lập ban chỉ đạo (hoặc ban điều phối) thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ để việc triển khai các quyết sách từ nghị quyết này được tập trung hơn.

Tại hội thảo, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận xét, qua một năm thực hiện, các ban, ngành địa phương, báo chí đã vào cuộc quyết liệt. Khối lượng công việc không nhỏ nhưng so với yêu cầu còn chậm, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa các ban ngành. Đồng bằng sông Cửu Long cần tiến hành liên kết vùng và phải có cơ quan điều phối việc liên kết này.

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ, các đồng bằng khác trên thế giới cũng đều đang phải đối mặt với các vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long gặp phải, như ở Mỹ hay Hà Lan. Tại Hà Lan lập Ủy ban phát triển đồng bằng, có tư cách pháp lý làm việc với các ban ngành, có ngân sách độc lập (hơn 1 tỷ euro hàng năm), được tự chọn nhân lực.

Còn ở Việt Nam, theo ông Ni, do còn thiếu cơ chế điều hành tổng hợp, như Bộ Tài nguyên và Môi trường điều phối thực hiện nhưng nằm ngang các bộ khác nên khó điều hành.

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17/11/2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức hồi tháng 9/2017 cũng tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính.

Tác giả: Thanh Liêm (TTXVN)

Nguồn tin: bnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP