Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu. |
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 59-NQ/CP của Bộ Chính trị, chiều 24/3, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Nghị quyết 59-NQ/CP, Nghị quyết 98/NQ-CP và Nghị quyết 45/2022/QH15 là một cơ hội rất lớn cho thành phố Cần Thơ phát triển. Nếu các thành viên trong Ban Chỉ đạo không triển khai thực hiện tốt nghị quyết để tạo ra sự thay đổi, đột phá, tăng trưởng một cách khác biệt cho thành phố trong nhiệm kỳ này là chúng ta có lỗi với nhân dân.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương là nhiệm vụ quan trọng nhất của thành phố Cần Thơ hiện nay, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà còn cả những nhiệm kỳ tiếp theo. Đây là nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ giao cho thành phố Cần Thơ và các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu toàn Đảng bộ thành phố cần bắt tay thực hiện cho bằng được các Nghị quyết của Trung ương với tinh thần đổi mới, tạo sự chuyển biến thật sự khác biệt cho thành phố. HĐND thành phố cần thể chế hóa bằng các nghị quyết, chương trình hành động, cơ chế giám sát đối với 3 nghị quyết nêu trên. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát các dự án, đề ra kế hoạch, danh mục công việc và lộ trình hoàn thành từng công việc cụ thể. Các Ban xây dựng Đảng, các huyện ủy, quận ủy trực thuộc Thành ủy làm rõ hơn nội dung nghị quyết để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy rà soát, bổ sung các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc triển khai 3 nghị quyết trên. Ban Tuyên giáo Thành ủy đẩy mạnh tuyên truyền và tập trung tuyên truyền sâu các nội dung chuyên đề.
Mặt khác, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo lấy ý kiến nhân dân, nhà khoa học vào tháng 5/2022; đồng thời đề xuất danh mục dự án đầu tư ngoài ngân sách để tiến hành kêu gọi đầu tư. Tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, nhất là nội dung thu tiền sử dụng đất để tạo nguồn lực cho thành phố phát triển...
Quang cảnh cuộc họp. |
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 59-NQ/CP, Nghị quyết 98/NQ-CP và Nghị quyết 45/2022/QH15 cho thấy, thành phố Cần Thơ đã đạt được nhiều mặt tích cực. Lãnh đạo các cấp ủy từ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Thành ủy triển khai rất quyết liệt từ công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để xây dựng và trình Chính phủ Chương trình hành động hết sức toàn diện. Đồng thời, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, đưa ra các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn các luật hiện hành để thành phố có cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách cũng như các điều kiện phục vụ phát triển thành phố.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết được triển khai quyết liệt, kịp thời, sâu rộng trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng đã làm tốt việc ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, các Chương trình hành động của Thành ủy như Nghị quyết 515 của Ban Thường vụ Thành ủy về thành lập Ban Chỉ đạo và Chương trình số 03 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 59-NQ/CP của Bộ Chính trị. HĐND và UBND thành phố cũng ban hành các Chương trình hành động để triển khai Nghị quyết của Trung ương, đồng thời thành lập các Tổ công tác, phân công các công việc cụ thể cho thành viên phụ trách theo từng nhóm công việc. So với các Nghị quyết trước đây, việc triển khai các Nghị quyết của Trung ương lần này được thực hiện tốt hơn.
Thành phố cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm, tăng cường phân cấp cho các địa phương lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư. Thành phố cũng quan tâm đến các dự án thu hút vốn đầu tư lớn ngoài ngân sách như dự án Nhiệt điện Ô Môn 2, Ô Môn 3, Ô Môn 4 hay dự án đầu tư khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đang trình Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các nghị quyết của Trung ương vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Tinh thần vào cuộc của lãnh đạo thành phố thì rất quyết tâm, quyết liệt nhưng tinh thần triển khai ở cấp dưới còn chậm. Nhiều tổ chức, cá nhân tiếp cận vấn đề chưa tích cực, chưa lấy việc khai thác nguồn lực của thành phố là động lực để phát triển và là cơ hội quan trọng của thành phố trở thành đầu tàu cho vùng. Chậm triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch. Thủ trưởng một số cơ quan chưa phát huy vai trò và vào cuộc. Năng lực thực thi các công trình đầu tư công: dự án nâng cấp đô thị, Bệnh viện Ung bướu… có tỷ lệ giải ngân khiêm tốn. Việc bố trí các nguồn lực và thu ngân sách hạn chế nên khó khăn trong tái đầu tư, tạo thêm động lực phát triển. Thủ tục đầu tư chưa thật sự hỗ trợ doanh nghiệp...
Cũng tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, sở, ngành chức năng cũng đã phân tích và đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Trung ương trong thời gian tới.
Tác giả: Ngọc Thiện
Nguồn tin: Báo Tin tức