Bán lẻ không phải là dạng nghề kinh doanh có điều kiện |
Công văn nêu, căn cứ sự cần thiết và thực tiễn quản lý hiện nay, Bộ trưởng đề nghị Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Vụ Pháp chế dừng xây dựng dự thảo Nghị định này.
Trước đó, đầu tháng 6, Bộ Công thương công bố dự thảo Nghị định này. Tuy nhiên, sau khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ doanh nghiệp, các hiệp hội, chuyên gia cạnh tranh… Nhiều ý kiến cho rằng, có quá nhiều quy định lạ đời, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, cài cắm quá nhiều quy định về điều kiện kinh doanh, vẽ ra thêm giấy phép con…
Chẳng hạn các quy định về diện tích kinh doanh siêu thị phải từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2, phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại... Thậm chí, liên quan đến giờ giấc hoạt động các siêu thi, dự thảo cũng can thiệp quá sâu vào tổ chức của doanh nghiệp bằng việc quy định phải mở cửa bán suốt tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, từ 10 - 22 giờ... Hay như mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá.
Quy định giờ giấc đóng cửa được coi là can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp |
Chuyên gia thương mại nhận định các quy định trên là cách quản lý quá tủn mủn, thể hiện sự độc quyền, hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp và gạt bỏ doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường, ngăn doanh nghiệp mới tham gia. Nói đúng hơn nhiều quy định vi phạm nguyên tắc thị trường, trái quy luật hay làm méo mó tính chất kinh tế thị trường.
Đại diện Phòng pháp lý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng đây là “bệnh nghiện quản lý”, can thiệp quá sâu tính tự chủ của doanh nghiệp, tăng thêm giấy phép con, trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại luật Đầu tư năm 2014.
Tác giả: Nguyên Nga
Nguồn tin: Báo Thanh niên