Kinh tế

Giá tôm giảm sâu, doanh nghiệp chế biến hưởng lợi

Giá tôm nguyên liệu được đánh giá đang giảm sâu trong 5 tháng đầu năm, thậm chí đã chạm đáy trong 2 năm gần nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến đang có những động thái “cứu” thị trường bằng cách tăng giá mua thêm 5 – 10%.

Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú dự kiến sẽ tăng giá mua nguyên liệu lên 5%, sau đó nâng dần lên 10% trong tháng 6 để người dân có lời. Ảnh: TM

Giá tôm chạm đáy hai năm

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5, giá tôm thẻ chân trắng tiếp tục giảm khoảng 20% còn ở mức 100.000 đồng/kg (loại 60 - 70 con/kg) và 70.000 đồng/kg (loại 100 con/kg). Giá tôm thẻ chân trắng đang phải chịu mức giá giảm mạnh nhất do ảnh hưởng giá thế giới giảm, một số nước xuất khẩu tôm trên thế giới đã giảm giá bán để cạnh tranh. Đây cũng là mức giá chạm đáy trong vòng hai năm trở lại đây. Ngoài ra, giá tôm sú vẫn ổn định ở mức 225.000 đồng/kg loại 30 con/kg và 160.000 đồng/kg loại 40 con/kg.

Trong khi giá tôm giảm thì sản lượng tôm nước lợ trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng 14%, đạt 176.000 tấn. Riêng sản lượng tôm thẻ chân trắng vẫn chiếm ưu thế, đạt 90.200 tấn. Riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - “thủ phủ” vùng tôm, sản lượng tôm thẻ tăng tới 23% đạt 72.200 tấn.

Giá tôm suy giảm sâu trong những tháng đầu năm được đánh giá mang tính thời điểm và theo xu thế giảm chung của thế giới khi nguồn cung trên thị trường quá cao. Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, không nên bỏ ao, thả nuôi với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi, chờ đến khi giá tôm hồi phục.

VASEP cũng dẫn lời một số chuyên gia ngành tôm trên thế giới rằng sau khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi tại Thái Lan, Ấn Độ sẽ giảm thả nuôi, nguồn cung dự báo giảm. Sang quý III, các nhà máy trong nước tăng cường mua nguyên liệu cùng với nhu cầu "ấm lên" từ các thị trường nhập khẩu, giá tôm sẽ bắt đầu tăng lên. Nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ được dự báo vẫn tốt với niềm tin tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế tích cực. Nhập khẩu tôm của các thị trường nhập khẩu chính cũng được dự báo sẽ tăng trong cuối quý II hoặc đầu quý III năm nay.

Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao, đồng thời tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà các nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ chưa có thế mạnh để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp.

Minh Phú “cứu” giá tôm, doanh nghiệp chế biến tự tin

Khẳng định giá tôm lên hay xuống không ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp chế biến, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú (Cty Minh Phú) cho biết, luôn có một khoảng lợi nhuận cần thiết được duy trì ở các nhà máy trên cơ sở biến động giá thị trường nguyên liệu. Ông nêu ví dụ nhà máy có khả năng cạnh tranh kém thì có thể huề vốn, nhà máy tốt hơn chút thì lợi nhuận 3 - 5%, thậm chí 10%, 20%. Các nhà máy sẽ tự cân đối trong khoảng lợi nhuận nhất định, ít nhất phải huề vốn. Vì vậy, không phải cứ giá tôm giảm thì doanh nghiệp chế biến bất lợi, ngược lại có thể giữ được lợi nhuận nhiều.

Minh chứng cho điều này, ông Quang cho biết, trong tháng 5, Cty Minh Phú ký bán hơn 10.100 tấn tôm (tăng 26% cùng kỳ năm trước), tương đương 110 triệu USD. Như chu kỳ, 5 tháng đầu năm lượng tiêu thụ tôm sẽ thấp nhất, từ tháng 6 trở đi tiêu thụ mạnh. Trong 2 ngày đầu tiên của tháng 6, Minh Phú cũng ký bán 2.500 tấn tôm, tương ứng 28 triệu USD. Dự kiến từ tháng 7 đến tháng 11 có thể ký hơn 20% so với tháng 5. Vì vậy ước cả năm, Cty Minh Phú có thể lãi trên 1.150 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch nhờ giá nguyên liệu giảm.

Với mức giảm ở vùng giá hiện tại, ông Quang đánh giá giá tôm nguyên liệu Việt Nam hiện chỉ cao hơn bình quân các nước khoảng 5 – 10%, do đó lợi nhuận các doanh nghiệp chế biến sẽ tốt hơn. Ở mức giá như hiện tại, Minh Phú đạt mức lợi nhuận 15% và có thể giảm xuống khoảng 10% nếu cần chia sẻ lợi nhuận với người chăn nuôi.

Ông Quang cho biết thêm, Việt Nam đang chuyển sang hướng nuôi tôm theo công nghệ mới, năng suất tốt hơn các nước khác do đó người nuôi Việt Nam hiện vẫn có lời, chưa bị lỗ. Chỉ có người nuôi công nghệ cũ bị lỗ. Vào giữa tháng 5, khi giá tôm xuống cực điểm, người nuôi công nghệ mới vẫn lời khoảng 20% (nếu giá ổn định cao thì có thể lời khoảng 50%). Cty Minh Phú cũng dự kiến sẽ tăng giá mua nguyên liệu lên 5%, sau đó nâng dần lên 10% trong tháng 6 để người dân có lời.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành tôm là Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Cty Sao Ta) cho rằng hoạt động của công ty không bị tác động đáng kể, bởi phần lớn sản phẩm đi vào hệ thống tiêu thụ cấp cao và hưởng lợi ích từ phân khúc thị trường này. Các tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của công ty tốt hơn so cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh số tiêu thụ trong tháng đạt 14,3 triệu USD, tăng 20% cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5, Cty Sao Ta chế biến 1.380 tấn tôm thành phẩm các loại. Theo đơn vị này, giá tôm thẻ chân trắng thời điểm này đang giảm mạnh do nhiều nước nuôi tôm thu hoạch sớm.

Tính đến hết tháng 5, công ty đã thả nuôi 156 ao tôm, đến nay ao thả sớm đã gần 60 ngày tuổi, phát triển tốt. Dự kiến trong tháng 6, Cty Sao Ta sẽ tiếp tục thả thêm 88 ao đang làm mới và kết thúc vụ thả nuôi chính năm 2018 ở cuối tháng 6, lúc đó cũng là khởi đầu thu hoạch những ao thả đầu tiên.

Áp dụng công nghệ nuôi trồng mới đối với người nuôi và chú trọng các sản phẩm giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp chế biến là những giải pháp chính cho thị trường tôm hiện tại. Bởi lẽ, mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD đến năm 2020 vẫn còn đó, đòi hỏi cả doanh nghiệp và người nuôi cùng đồng hành, chung tay.

Tác giả: Trà My

Nguồn tin: Báo Thanh tra

  Từ khóa: giảm sau , giá tôm , doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP