Fatima là một trong số rất nhiều phụ nữ ở Nigeria bị bắt giữ và là trường hợp hiếm hoi trốn thoát được sự trói buộc của Boko Haram. Giờ đây, cô đang ngồi trong căn phòng nhỏ của UNICEF tại một trại tị nạn gần thành phố Maiduguri, phía đông Bắc Nigeria. Cô vừa kể lại câu chuyện, vừa khóc. Đã sống ở trại tị nạn này được một thời gian nhưng sức khỏe Fatima vẫn chưa ổn định. Cô vẫn thường xuyên bị sốt và nhức đầu.
Fatima kể rằng, vào một buổi chiều thứ bảy, các chiến binh của Boko Haram đã tấn công ngôi làng mà gia đình cô ở. Nhiều người đàn ông, trong đó có anh trai cô bị bắn còn cô thì bị bắt đi cùng hàng trăm phụ nữ khác. Kể từ đó, cô không thể liên lạc được với gia đình nữa.
"Các chiến binh dồn phụ nữ và trẻ em vào một khu vực và đưa đến khu rừng rậm. Tôi và nhiều cô gái khác ngủ dưới gốc cây. Các chiến binh gọi chúng tôi là "nô lệ", Fatima nói với đôi mắt mệt mỏi. Fatima nói rằng, các chiến binh cho các cô gái uống chất lỏng màu đỏ nhưng cô luôn tìm cách đổ đi. Một vài cô gái khác khi uống nước vào trở nên hung hãn khác thường.
"Tôi thức dậy vào buổi sáng sớm. Đứa trẻ mới chỉ một vài tuần tuổi nằm bên cạnh áp chặt khuôn mặt vào bầu ngực tôi. Tôi nghe rõ bước chân vài người phụ nữ tiến đến túp lều của mình. Họ bước vào, nắm lấy tay và kéo tôi ra ngoài. Tôi hét lên và gào khóc. Tôi biết rõ điều mà những người phụ nữ muốn. Đã nhiều lần, tôi nhìn thấy cách họ trang bị cho các cô gái khác đai có thuốc nổ. Những cô gái ấy bị kéo đi và không bao giờ quay trở lại", Fatima kể lại.
Cũng giống như nhiều cô gái khác, Fatima có thể đã trở thành "một quả bom" rất hiệu quả. Một phụ nữ mới sinh như Fatima sẽ không làm người khác nghi ngờ và cô có thể dễ dàng đi vào đám đông tiến hành đánh bom tự sát.
Sử dụng phụ nữ trẻ đánh bom tự sát được coi là một phương pháp hiệu quả của Boko Haram hiện nay.
"Tôi không làm điều đó", tôi đã hét lên như vậy. "Chúng tao sẽ giết chết mày", một người phụ nữ vừa trả lời và tiếp tục kéo tay tôi. "Tôi không sợ. Tôi đã nhìn thấy quá nhiều người chết". Một chỉ huy trại đứng ở phía đằng xa. Ông ta sống ở làng bên cạnh và là một người bạn cũ của cha tôi. "Không phải cô ta. Cô ấy quá sợ hãi và có thể sẽ làm hỏng chuyện", người đàn ông nói với những người phụ nữ đang kéo tay tôi. "Những người phụ nữ đã rất giận dữ. Họ đánh tôi bằng gậy và dây cáp điện", Fatima vừa kể vừa kéo tấm áo lên, để lộ những vết sẹo chằng chịt trên bụng và hông của mình.
Fatima cho biết thêm, cô đã bị những người phụ nữ của Boko Haram trói vào một gốc cây và bắt phải xem cách họ dạy các cô gái khác bắn súng nhằm vào mục tiêu là những con dê.
"Tôi cũng phải xem cách họ chuẩn bị cho những cô gái khác thực hiện cuộc tấn công tự sát. Bất cứ khi nào bại trận, chúng sẽ thực hiện một vụ đánh bom tự sát. Một số phụ nữ tình nguyện thực hiện vụ đánh bom trong khi một số người khác nghĩ rằng, đó sẽ là cơ hội để trốn thoát. Phần lớn là bị ép buộc. Boko Haram sẽ cho những phụ nữ đánh bom tự sát mặc trang phục đầy màu sắc, quấn quanh bụng đai lưng đầy chất nổ. Công việc của những phụ nữ là tới nơi có nhiều người, sau đó, nhấn nút. Các chiến binh nói rằng, hãy thực hiện một "cuộc thánh chiến" và làm việc cho Allah", Fatima kể lại.
Hôn nhân cưỡng bức và hiếp dâm
Tại thành phố Yola, cách Maiduguri 300 km về phía Nam, Adisa, một cô gái 15 tuổi, người từng bị Boko Haram bắt cóc kể lại những tháng ngày kinh hoàng mà cô đã phải trải qua.
"Khi các chiến binh tấn công làng, gia đình tôi chạy vào một cánh đồng ngô, tôi đã lạc cha mẹ và em gái. Tôi chờ đợi cho đến khi hoàng hôn xuống và không nghe thấy bất kỳ tiếng súng nào mới đi ra. Tuy nhiên, tôi vẫn không thoát khỏi bàn tay của các chiến binh Boko Haram. Chúng bắt tôi, trói tay và bịt mắt tôi lại", Adisa kể.
Trại mà Adisa bị giam giữ có tên là Pita, gần rừng Sambisa. Đây là nơi mà có thể 276 nữ sinh bị bắt cóc từ một trường học ở Chibok hai năm trước đây cũng được đưa tới. Adisa cho biết, cô bị nhốt trong một túp lều nhỏ và luôn có người đứng canh gác bên ngoài.
"Một ngày, có nhóm chiến binh đến đứng trước cửa lều. Một trong số họ nói muốn kết hôn với tôi. Tôi đã khóc vì nếu không đồng ý, tôi cũng sẽ bị giết hại", Adisa nhớ lại.
"Mấy ngày sau, họ bắn vài phát súng vào không khí báo hiệu rằng, tôi đã kết hôn. Tôi được cho sáu bộ quần áo. Chồng tôi, ở lại trong ba ngày và cưỡng hiếp tôi rất nhiều lần. Tôi hét lên. Có người bên ngoài nghe thấy nhưng không có ai đến giúp đỡ tôi. Về sau, tôi được biết rằng, chồng mình là một trong những chiến binh giỏi nhất của Boko Haram", Adisa nói.
Mỗi lần chồng trở về, Adisa lại bị hãm hiếp. Chiến binh này luôn che mặt nhưng qua giọng nói và cử chỉ, Adisa tin rằng, chồng cô vẫn còn rất trẻ. Adisa được chồng truyền dạy kinh Koran. Khi từ chối học, Adisa bị chồng dùng gậy đánh vào lưng, ngực, bụng và chân.
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Theo nhận định của các chuyên gia, kể từ năm 2009, không phải al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà Boko Haram mới là tổ chức khủng bố khiến nhiều người thiệt mạng nhất. Ước tính, 27.000 người đã chết vì Boko Haram. Gần đây, quân đội Nigeria đã chiếm lại được một số vùng lãnh thổ và đẩy lùi phiến quân Boko Haram. Một liên minh quân sự giữa Cameroon, Niger, Chad và Benin đã tạo được nhiều kết quả đáng mừng trong cuộc chiến chống Boko Haram.
Các nhà lãnh đạo quân sự cho rằng, một nhà lãnh đạo quan trọng của Boko Haram đã bị bắt giam và hàng trăm con tin đã được trả tự do. "Chúng tôi đã phá hủy 70% cơ sở của Boko Haram", một quan chức phụ trách lực lượng liên quân cho biết. Tuy nhiên, nhóm khủng bố chưa bị đánh bại hoàn toàn. Các phiến quân của Boko Haram đã dạt sang nhiều quốc gia láng giềng khác của Nigeria. Boko Haram thường xuyên thay đổi chiến thuật hoạt động và việc sử dụng những cô gái trẻ đánh bom tự sát là một ví dụ.
Fatima suýt trở thành một kẻ đánh bom tự sát như nhiều cô gái khác bị Boko Haram bắt cóc.
Với Boko Haram, sử dụng phụ nữ trẻ đánh bom tự sát được xác định là một phương pháp hiệu quả. Trong tháng 3/2016, hai cô gái đã giết chết hơn 20 người trong một nhà thờ Hồi giáo gần Maiduguri. Không lâu sau đó, một cô gái trẻ đã tiến hành đánh bom trước một căn cứ quân sự trong khi cô gái thứ hai cố gắng chạy trốn nhưng không thoát. Hai cô gái đã giết chết 70 người trong trại tị nạn Dikwa vào tháng 2/2016. Ít nhất đã có 89 cuộc tấn công tương tự như vậy trong năm 2015, phần lớn trong số đó do phụ nữ thực hiện.
Không chỉ sử dụng phụ nữ đánh bom tự sát, Boko Haram cũng tăng cường tuyển mộ trẻ em vào cuộc chiến của mình. Gbenga, 12 tuổi, con của một người lái xe taxi ở Maiduguri từng bị Boko Haram bắt cóc nhưng may mắn trốn thoát kể lại rằng, vì còn quá nhỏ để tham gia chiến tranh, trẻ em thường được sử dụng vào việc giúp đỡ các hộ gia đình Boko Haram.
"Chúng cháu phải chăm sóc con cái của họ, nấu ăn và giặt quần áo. Một lần, họ cho chúng cháu ra ngoài lấy nước và cháu đã tận dụng cơ hội này để bỏ trốn". Gbenga hiện đang sống với anh trai của mình ở Maiduguri và bắt đầu đi học lại. Khi được hỏi về tương lai, Gbenga nói rằng, muốn trở thành một nhân viên ngân hàng. "Nếu có tiền, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và không sợ bị người khác bắt nạt", Gbenga nói.
Tác giả bài viết: Phạm tường (tổng hợp)