Tin địa phương

Bảo tồn chợ nổi Cái Răng bằng cách nào?

Nhà báo kỳ cựu Vũ Thống Nhất cho rằng: 'Để cứu chợ nổi phải tạo ra cho được sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn; để có sản phẩm hấp dẫn phải khai thác cho được nét độc đáo của văn hóa bản địa. Từ đó thu hút đông du khách, nuôi được thương hồ và những người buôn bán ở đây, vừa bảo tồn vừa phát triển chợ nổi'

Chợ nổi Cái Răng hôm nay - Ảnh: Văn Kim Khanh

Trước thực tế vai trò lịch sử về giao thương đường sông và chợ nổi hết thời, cùng với việc xây dựng bờ kè sẽ phá vỡ cấu trúc của chợ nổi Cái Răng, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao bảo tồn chợ nổi Cái Răng để Cần Thơ còn một điểm tham quan du lịch hấp dẫn?

Thành ủy, UBND TP Cần Thơ rất quyết tâm bảo tồn chợ nổi. Vì vậy, ngoài việc chỉ đạo quận Cái Răng, Sở VHTT-DL, Viện Kinh tế xã hội thành phố... tiến hành các bước bảo tồn chợ nổi, lãnh đạo TP cũng đã cử một Phó chủ tịch UBND TP làm Trưởng Ban về vấn đề bảo tồn chợ nổi Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng vẫn còn là nơi tập kết nông sản - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là đầu tư chợ nổi Cái Răng bao nhiêu để có hiệu quả? Bắt đầu tư đâu? Làm như thế nào? Còn nhớ năm 2002, chợ nổi Ngã Bảy (tức chợ nổi Phụng Hiệp) được di dời vô hướng kinh Lái Hiếu, cách vị trí cũ hơn 1km nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường sông nhưng việc di dời này khiến chợ dần đìu hiu rồi bị biến mất. Đến năm 2009, Tổng Cục du lịch đã hỗ trợ địa phương này hàng chục tỉ đồng để phục hồi chợ nổi Ngã Bảy. Chính quyền đã làm mọi thứ như di dời chợ, làm cầu tàu, bến bãi… nhưng cuối cùng chợ nổi Ngã Bảy cũng không tồn tại.

Chợ nổi nhân tạo ở Thái Lan - Ảnh: Internet

Một cán bộ của TP.Cần Thơ từng nghiên cứu về chợ nổi Thái Lan cho biết: “Kinh nghiệm từ chợ nổi Thái Lan là bài học quý. Nước này có gần 30 chợ nổi lớn nhỏ, hầu hết là “chợ nổi nhân tạo” phục vụ du lịch, trong đó có gần 10 chợ nổi tiếng. Họ quản lý chợ nổi theo 3 hình thức: 1/ Quản lý nhà nước mà đại diện là chính quyền địa phương; 2/ Doanh nghiệp quản lý; 3/ Cộng đồng quản lý. Hệ thống camera của họ góp phần đắc lực trong việc quản lý về an ninh trật tự, môi trường và kinh doanh. Hệ thống quản lý vệ sinh môi trường của họ được chú trọng đặc biệt. Việc này tạo nên nề nếp và văn minh trong hoạt động buôn bán kinh doanh du lịch của chợ nổi Thái Lan. Cái này Cần Thơ làm được, vấn đề là chúng ta quyết tâm như thế nào?”

Tiểu thương vẫn chưa rời chợ nổi Cái Răng - Ảnh: Van Kim Khanh

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hoàng, Trưởng Phòng VHTT quận Cái Răng cho biết theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, quận Cái Răng đã có kế hoạch phối hợp để bảo tồn chợ nổi Cái Răng như: Chấn chỉnh việc chặt chém giá bán thức ăn, đồ uống; hạn chế việc "cò" bắt khách tàu, đò để trục lợi. Việc xây dựng bờ kè cao, di dời bến bãi lên hàng thì ngoài chức năng của quản lý của quận. Về đề nghị mở thêm các cầu tàu chúng tôi cũng không thể làm được do dự án của TP quản lý.

Hiện có ý kiến đề nghị nên xây dựng dãy nhà bè dọc theo kè hiện nay phía bờ Cái Răng, ban đầu từ 20-30 căn thí điểm, diện tích mỗi căn nhà bè 5mx15m, mỗi dãy chừng 50-100m để phục vụ du lịch. Những căn nhà bè du lịch này được xây dựng theo thiết kế trang nhã, thống nhất mẫu mã sau đó cho dân hay doanh nghiệp thuê bán hàng đặc sản phục vụ chợ nổi. Nhận xét về ý kiến này, ông Lê Văn Hoàng cho rằng làm như thế sẽ ảnh hưởng giao thông đường thủy.

Nhà bè có thể làm ở dọc tuyến này để làm cho chợ nổi sung trở lại theo hình thức chợ nhân tạo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ông Hoàng cũng cho biết thêm, nếu có xây dựng nhà bè nổi, để bán buôn phục vụ ăn uống thì có thể xây dựng ở Vàm sông Ba Láng vì nơi đó có quy hoạch kêu gọi đầu tư xây dựng nhà hàng nổi. Theo đó đã có nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà hàng nổi để bán đồ lưu niệm, kinh doanh đồ ăn, thức uống. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm chợ nổi Ngã Bảy, đưa chợ đi nơi khác thì chợ sẽ "chết".

Ông Nhâm Hùng, một ngươi có nhiều nghiên cứu về chợ nổi miền Tây Nam Bộ cho rằng, bảo tồn chợ nổi Cái Răng phải đi đôi với việc tạo việc làm cho giới thương hồ có điều kiện buôn bán sinh sống được. Quan trọng hơn nữa là phải làm sao để những tiểu thương gắn bó với chợ nổi sống được bằng nghề buôn bán cho khách du lịch. Theo đó những dãy nhà nổi phải xây dựng cho đẹp, trang nhã và đồng bộ, mang đặc trưng Cần Thơ; dáng nét đó đi vào du lịch thế giới chứ không để nó lèo tèo, hỗn độn như hiện nay.

"Trên những nhà hàng nổi này là điểm bán đặc sản Cần Thơ như: Hủ tíu Cần Thơ, chả giò, bún riêu, tôm luộc, tôm nướng, bánh xèo Cần Thơ, bánh dân gian... Du khách sau khi tham quan một vòng chợ nổi có thể ghé đó để thưởng thức món ngon Cần Thơ. Có như vậy chợ nổi mới hấp dẫn du khách", ông Nhâm Hùng.

Cũng theo ông Hùng, những nhà bè nổi này cũng nên có những quán có nghệ nhân biểu diễn hò Cần Thơ, ca cổ, ca nhạc. Những sinh hoạt như vậy tạo cho du khách nhớ chợ nổi Cái Răng mỗi lần có dịp ghé qua.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, Trưởng Ban quản lý nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia “chợ nổi Cái Răng” cho biết hiện nay các đề xuất, góp ý, gợi ý về hướng bảo tồn chợ nổi Cái Răng đều đáng trân trọng. Tuy nhiên, giới chuyên môn, các cơ quan chức năng được TP.Cần Thơ giao nhiệm vụ đang làm việc tích cực. Khi đề án hoàn chỉnh phải lấy ý kiến của HĐND vì có những vấn đề liên quan đến giao thông, môi trường và các vấn đề kinh tế xã hội của TP”.

Tác giả: Văn Kim Khanh

Nguồn tin: 1thegioi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP