Tin địa phương

Cần Thơ tìm cách cứu chợ nổi Cái Răng đang 'chìm'

Chợ nổi Cái Răng, sản phẩm du lịch độc đáo của Cần Thơ và của vùng sông nước Nam Bộ. Tuy nhiên, do hiện nay hoạt động giao thương hàng hóa bằng đường bộ phát triển mạnh, các khu chợ nổi vang tiếng một thời tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bị “chìm” dần.

Chợ nổi - nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Ảnh An Hòa


Chợ nổi đang "chìm"

Văn phòng UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành Văn bản số 1645/VPUB-KGVX thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố đến Sở VH,TT&DL TP. Cần Thơ.

Văn bản cho biết, thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội xuất hiện những thông tin, hình ảnh, video... với nội dung phản ánh về những tồn tại, hạn chế của chợ nổi Cái Răng, đã ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch chợ nổi Cái Răng nói riêng và du lịch Cần Thơ nói chung.

Do đó, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao Giám đốc Sở VH, TT&DL chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, xác minh những thông tin tiêu cực do một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã phản ánh; báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh những thông tin nêu trên; tham mưu, đề xuất UBND thành phố các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng.

Trong buổi họp nghe báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng vào chiều ngày 11/5, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường thẳng thắn nhìn nhận trong thời gian qua việc quản lý hoạt động tại chợ nổi Cái Răng chưa được thực hiện tốt, nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì chợ nổi khó tồn tại.

Để chấn chỉnh hoạt động tại khu chợ nổi này, người đứng đầu chính quyền TP. Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sớm thành lập ban quản lý chợ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tại khu chợ này.

Về giải pháp lâu dài, ông Trường đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tập trung vào nghiên cứu và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP. Cần Thơ cho biết, Viện đang xây dựng hoàn thiện Đề cương Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch".

Theo đó, đối tượng được xác định là thương hồ. Đề án sẽ nghiên cứu toàn bộ không gian của di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng và tuyến đường đưa khách từ Bến Ninh Kiều vào Chợ nổi.

"Viện cũng đề xuất một số kịch bản dự kiến như tổ chức mô hình quản lý Chợ nổi và mời gọi đầu tư khai thác quản lý từ khu vực Bến tàu du lịch đến chợ nổi Cái Răng; sắp xếp lại tàu bè neo đậu tại chợ nổi; lập dự án mời gọi đầu tư điểm dừng chân, khu trưng bày, mua bán các đặc sản địa phương tại khu vực chợ nổi.

Mục tiêu của đề án là khai thác tài nguyên sinh thái tự nhiên, tài nguyên văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật của của chợ nổi Cái Răng một cách bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm làm điểm nhấn thu hút khách du lịch", ông Tùng cho biết.

Theo PGS.TS. Đào Ngọc Cảnh - Khoa KHXH&NV, Trường Đại học Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng hình thành từ nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân, lâu nay khu chợ này phát triển tự nhiên mà chưa được quy hoạch, đầu tư hợp lý.

"Chính vì khu chợ này được khai thác mà không đầu tư, làm cho sản phẩm du lịch chợ nổi nghèo nàn, đơn điệu. Hiện nay, khách đi du lịch chợ nổi Cái Răng chỉ đơn giản là ngồi trên tàu du lịch chạy một vòng xem chợ nổi rồi về; không có chỗ nghỉ ngơi thư giãn, không có chỗ mua sắm hàng hóa, thậm chí không có chỗ đi vệ sinh", TS Cảnh nói.

Theo TS Cảnh, để khắc phục tình trạng kinh doanh du lịch một cách tự phát ở chợ nổi Cái Răng, cần thành lập Trung tâm dịch vụ du lịch chợ nổi với các chức năng: Kiểm tra, giám sát các dịch vụ du lịch chợ nổi, đảm bảo kinh doanh du lịch văn minh, lịch sự; khắc phục tình trạng tranh giành khách, nói thách, ép giá; kiểm soát và bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nét văn hóa độc lạ ở miền Tây

Chợ nổi, nét văn hóa rất đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó chợ nổi Cái Răng là khu chợ sầm uất, tiêu biểu nhất được tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Trang web du lịch nổi tiếng Youramazingplaces cũng bình chọn chợ nổi Cái Răng là 1 trong 5 chợ nổi đẹp, thú vị nhất khu vực Châu Á.

Ngày 10/3/2016, chợ nổi Cái Răng cũng đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL.

Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cần Thơ - một nhánh của sông Hậu, cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 6 km.

Chợ nổi nhóm họp mua bán từ tờ mờ sáng, du khách muốn tham quan chợ nổi thì phải đi bằng ghe, thuyền, với thời gian di chuyển từ trung tâm TP. Cần Thơ đến khu chợ này mất khoảng 30 phút.

Hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng chủ yếu là các loại rau, củ, trái cây đặc sản của vùng, ngoài ra còn có hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn, uống phục vụ cho giới thương hồ và du khách.

Để khách hàng từ xa có thể nhận biết được ghe thuyền mình đang bán những sản vật gì, thì người bán treo sản vật đó lên mũi thuyền được gọi là "cây bẹo". Hình thức "bẹo hàng" này là một nét văn hóa giao thương độc đáo mà chỉ có ở chợ nổi.

Đến với khu chợ họp trên sông này, du khách sẽ được ngấm bình minh, cảnh mua bán nhộn nhịp diễn ra trên sông; được thưởng thức đủ loại trái cây, các món ăn dân dã mang đậm chất Nam bộ.

Ngồi chòng chành trên ghe, bè nổi giữa mênh mông sông nước, thưởng thức tô cháo, hủ tiếu, bún riêu nóng hổi, cùng ly cà phê ngọt đắng sẽ là những trải nghiệm khó quên đối với du khách khi đến với khu chợ này.

Không chỉ có chợ nổi Cái Răng, với đặc thù là vùng có hệ thống sông, rạch chằng chịt, từ hàng trăm năm trước tại nhiều địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nhiều khu chợ nổi như: Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang) Ngã Năm (Sóc Trăng), Long Xuyên (An Giang)…Chợ nổi ở miền Tây được xem là nét văn hóa đặc sắc điểm đến thú vị cho những ai yêu thích sự khám phá, mới lạ, muốn tìm hiểu về văn hóa miền sông nước Nam Bộ.

Tác giả: An Hòa

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP