Nhiều ý kiến cho rằng, các cuộc thi nhan sắc hiện nay nên đổi thành cuộc thi "Người đẹp", bỏ chữ Việt Nam ra khỏi danh hiệu. Bởi "Người thắng cuộc không thể đại diện cho Việt Nam, vì có khi người chiến thắng tại một cuộc thi nhan sắc chỉ là do một công ty giải trí đứng ra tổ chức".
Mua vương miện
Với những ồn ào đang xoay quanh cái tên Nam Em, cư dân mạng cho rằng "việc tước vương miện hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long của Nam Em" hoàn toàn có thể xảy ra. Trước đó, ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long cho biết ngưng hợp tác với Nam Em sau những ồn ào. "Những phát ngôn của Nam Em gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cuộc thi, đặc biệt là trong lúc cuộc thi chuẩn bị khởi động trở lại. Trong thời gian qua, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh từ dư luận về việc xem xét lại vai trò, trách nhiệm của Nam Em đối với cuộc thi" - BTC cuộc thi thông tin.
Những tưởng, sự phản ứng của cư dân mạng, động thái của BTC cuộc thi Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khiến Nam Em "sợ". Nhưng không, cô cho biết "Tước nhanh, tước lẹ. Tôi nói đội cái vương miện đó 8 năm trời, muốn trả dữ lắm mà không chịu lấy lại. Ai qua lấy lẹ, lấy giùm, lấy nhanh, lấy sớm…".
Hoa hậu Nam Em khi đăng quang. Ảnh: TƯ LIỆU |
Không chỉ có Nam Em, trước đó, á hậu Quế Vân cũng thừa nhận đã bỏ ra 600 triệu đồng để mua vương miện á hậu từ một cuộc thi nhan sắc. Tiết lộ gây sốc cõi mạng của Quế Vân, nhiều người vừa bất ngờ nhưng cũng thấy bình thường. Tin đồn người đẹp mua giải thực ra không mới. Nhưng mọi thứ chỉ được nhắc đến ở dạng tin đồn bởi những thông tin được tiết lộ đều không có bằng chứng xác thực.
Trước đó, Á hậu 3 Hoa hậu quý bà Việt Nam toàn cầu 2022 (được tổ chức tại Đà Nẵng) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo BTC cuộc thi này mua bán giải. Bà này cho rằng bà đã chi 800 triệu để có được danh hiệu Á hậu 3. Vì không muốn các thí sinh khác rơi vào trường hợp tương tự như mình, nên bà quyết định lên tiếng tố cáo.
Vương miện gắn liền với lợi nhuận
Nhiều người trong giới đều thừa nhận những giải thưởng cao của người đẹp Việt ở nhiều đấu trường nhan sắc, từ trong nước đến quốc tế đều được đổi bằng tiền. Mức giá dành cho vương miện từ chục ngàn USD đến triệu USD, tùy quy mô cuộc thi. Thậm chí, việc bỏ tiền mua giải cho một người đẹp đã trở thành chiến lược đầu tư của nhiều đơn vị. Bởi vương miện gắn liền với lợi nhuận (từ công việc kinh doanh) và thực tế cũng đã chứng minh, nhiều người đẹp trở nên giàu có khi sở hữu vương miện. Nếu trước đây, việc mua vương miện có phần kín đáo và khó thì ngày nay điều đó trở nên dễ dàng hơn, thậm chí là ở các đấu trường nhan sắc có tiếng.
Trong lúc Quế Vân sẵn sàng thừa nhận bỏ tiền mua danh hiệu, nhiều người đẹp khác cũng từng thừa nhận bản thân nhận được lời rao bán vương miện từ đơn vị tổ chức cuộc thi. Các mức giá được đưa ra phù hợp với các vị trí tốp 10, giải phụ, á hậu 1, 2 và hoa hậu. Chỉ cần có tiền thì sẽ có vương miện.
Ăn nên làm ra khi tổ chức cuộc thi nhan sắc, điều này cũng lý giải phần nào các cuộc thi hoa hậu được tổ chức nhan nhản trong thời gian gần đây. Công chúng không thể phân biệt được các cuộc thi, vì có khá nhiều cuộc thi cùng tên và để phân biệt, BTC đã phải cố giải thích bằng ngôn ngữ tiếng Anh đến tiếng Latin để lý giải ý nghĩa cho cái tên cuộc thi của mình.
Theo các nhà chuyên môn, bản chất của cuộc thi hoa hậu không có gì đáng lên án, khi nó tôn vinh cái đẹp và nếu thông qua cuộc thi đó có thể lan tỏa các thông điệp tích cực và cùng kêu gọi cộng đồng tham gia vào các hoạt động ý nghĩa chung. Tuy nhiên, khi yếu tố kinh tế ngày càng chi phối tính chất của các cuộc thi thì các hoạt động biến tướng sẽ dần diễn ra, khi người kinh doanh tìm kiếm danh xưng từ cuộc thi để khai thác giá trị kinh tế, còn người tham gia cuộc thi thì chủ yếu hướng đến sự giàu có vật chất cho bản thân.
Từ những suy nghĩ lệch lạc này sẽ dẫn đến những ảo tưởng về bản thân và phát ngôn chưa phù hợp trên các phương tiện truyền thông, từ đó tạo ra những bức xúc cho cộng đồng.
Cần xem lại các cuộc thi hoa hậu PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng thời gian qua chúng ta chứng kiến khá nhiều câu chuyện lùm xùm liên quan đến các cuộc thi người đẹp. Đây là hậu quả của việc buông lỏng trong công tác quản lý và tổ chức các cuộc thi này. Số người đẹp đăng quang nhiều đến nỗi ít người có thể nhớ hết được tên các hoa hậu trong một năm. Các công ty tổ chức các cuộc thi hoa hậu có thể chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sự kiện nhưng lại thiếu tinh tế trong việc đào tạo, chuẩn bị tâm thế cho những người đẹp tham gia cuộc thi, đặc biệt là những người đạt vương miện để gánh vác trách nhiệm xã hội mới, phù hợp với văn hóa dân tộc. Nếu không được tổ chức bài bản và nghiêm túc, các cuộc thi hoa hậu có thể gây tác động ngược và góp phần làm mất đi giá trị và ý nghĩa của hoạt động này. Việc coi trọng ngoại hình mà thiếu đi sự cân nhắc đến tri thức và cả những giá trị khác trong một cuộc thi hoa hậu có thể gây ra áp lực và tổn hại đến hình ảnh cá nhân, đặc biệt là với các thí sinh trẻ. Việc tổ chức cuộc thi hoa hậu nên được thực hiện một cách cẩn thận, tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn đạo đức, tôn trọng các giá trị chung, coi trọng tính minh bạch và công bằng để bảo đảm rằng cuộc thi sắc đẹp này có thể góp phần tích cực vào việc giới thiệu văn hóa và phát triển du lịch. Y.Anh ghi |
Tác giả: Thùy Trang
Nguồn tin: Báo Người Lao động