Thế giới

5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới trong tương lai

Theo nhà phân tích quân sự Mỹ Kyle Mizokami, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Anh sẽ là những nước có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2030.

Ông Mizokami đã khẳng định trên tạp chí National Interest rằng, 2 loại tàu chiến giúp định danh các lực lượng hải quân mạnh mẽ nhất thế giới là tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu sân bay.

“Tàu sân bay phản ánh nhu cầu duy trì khả năng vươn sức mạnh ra tòan cầu hoặc thậm chí là phạm vi khu vực, trong khi tàu ngầm tên lửa đạn đạo sẽ là cách để một quốc gia đa dạng hóa khả năng triển khai hạt nhân”, ông Mizokami nhận định.

Mỹ

Theo ông Mizokami, thập kỉ tiếp theo sẽ chứng kiến Mỹ xây dựng ít nhất 3 tàu sân bay lớp Ford nhằm thay thế cho các tàu lớp Nimitz hiện nay.

Hải quân Mỹ vẫn sẽ là một thế lực trên biển vào năm 2030

“Số lượng tàu đổ bộ có thể cao hơn một chút so với hiện nay và chiếc tàu ngầm đầu tiên thay thế lớp Ohio sẽ được đưa vào phục vụ trong năm 2031”, chuyên gia Mizokami viết.

Thêm vào đó, các tàu tuần dương lớp Zumwalt và hơn 33 tàu khu trục Arleigh Burke cũng sẽ được biên chế cho tới năm 2031, điều nâng số lượng tàu chiến của Mỹ lên con số 300 chiếc trong những năm 2030.

Đây chính là điều mà ông Mizokami cho rằng, sẽ giúp Mỹ tiếp tục vượt trội trên đại dương trong nhiều năm tới.

Nga

Hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hải quân nước này trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới.

Hải quân Nga đang có nhiều dự án tham vọng như tàu sân bay 100.000 tấn và tàu khu trục lớp Leader

“8 tàu ngầm lớp Borei, mỗi chiếc mang được tới 20 tên lửa đạn đạo Bulava, sẽ được biên chế trong thập kỉ tới và biến Nga thành nước sở hữu lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớn thứ 2 trên thế giới”, ông Mizokami cho hay.

Trong thời gian từ nay đến năm 2030, Nga cũng đầu tư vào nhiều chương trình lớn như việc đóng tàu sân bay dài 330m có tên Shtorm, thuộc Dự án 23000E . Ngoài ra, Nga cũng sẽ phát triển siêu tàu khu trục lớp Leader mới với chiều dài 200m, lượng giãn nước 17.500 tấn và mang theo được 200 tên lửa các loại.

Anh

Theo ông Mizokami, đến năm 2030, hải quân Anh sẽ thu nhỏ quy mô đến mức nhỏ nhất trong lịch sử nước này nhưng việc biên chế đủ 2 tàu sân bay cỡ lớn mới và nâng cấp xong hạm đội tàu ngầm hạt nhân vẫn khiến hải quân Anh trở thành một lực lượng hùng hậu.

Tàu khu trục Type 45 có giá trị 1 tỉ bảng của Anh

“Hạm đội hải quân của Anh hiện đang bao gồm 19 tàu khu trục và tàu hộ tống nhưng con số này sẽ thu gọn lại còn 6 tàu khu trục Type 45 và 8 tàu hộ tống Global Combat Ship. Số lượng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân vẫn được giữ ở mức hiện tại là 7 chiếc”, ông Mizokami cho hay.

Hiện nay, Anh đang vận hành 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Vanguard và có kế hoạch hiện đại hóa toàn bộ lực lượng tàu ngầm hạt nhân với chi phí lên tới hàng chục tỉ USD. Trong khi đó, 2 tàu sân bay cỡ lớn Queen Elizabeth cùng Prince of Wales, chuẩn bị hoàn thành vào năm 2019, sẽ có thể mang theo khoảng 50 chiến đấu cơ trên mỗi chiếc.

Trung Quốc

Ông Mizokami đã trích dẫn lời của cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ, ông James Fanell về việc dự đóan rằng, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ là nước có hạm đội tàu chiến lớn nhất thế giới về số lượng.

Trung Quốc đang là nước có lực lượng hải quân phát triển nhanh nhất

Hải quân Trung Quốc được cho là sẽ có 99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay, 22 tàu khu trục và hộ tống, 26 tàu hộ vệ, 73 tàu đổ bộ và 11 tàu tên lửa cỡ nhỏ. Như vậy tổng số tàu sẽ đạt con số 415 chiếc, nhiều hơn gấp rưỡi lực lượng 309 tàu của Mỹ vào năm 2030.

“Những số liệu dự đoán trên đặt Trung Quốc ở vị trí vững chắc trong danh sách các lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới mặc dù chưa tính đến tổng trọng tải hay khả năng của các tàu này”, ông Mizokami nhấn mạnh.

Ấn Độ

Nước cuối cùng mà ông Mizokami nhắc đến là Ấn Độ, quốc gia gần đây đã dành ra những khoản đầu tư lớn vào việc tăng cường sức mạnh trên biển.

“Tôi chưa từng thấy hải quân Ấn Độ hiện diện nhiều ở các vùng biển quốc tế nhiều như vậy. Vào năm 2030, Ấn Độ sẽ có hạm đội tàu sân bây lớn thứ 2 thế giới, trong đó có 3 chiếc với thiết kế boong phẳng”, ông Mizokami cho hay.

Ấn Độ đang tập trung vào phát triển hải quân và hứa hẹn sẽ trở thành thế lực mới trên biển vào năm 2030

Các tàu sân bay này bao gồm Vikramaditya, Vikrant và Vishal, ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ có ít nhất 9 tàu khu trục, trong đó có 2 tàu tuần dương tên lửa lớp Kolkata, 3 chiếc lớp Delhi và 4 chiếc lớp Visakhapatnam.

Ngoài ra, chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên có tên Arihant sẽ được biên chế vào hải quân Ấn Độ trong tương lai gần, cùng với đó là 3 chiếc cùng loại cũng đang được lên kế hoạch khởi công.

Tác giả bài viết: Minh Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP