Trong nước

Xúc động trước những ký ức vẻ vang và tự hào về Cách mạng Tháng Tám

Trong những ngày Thu tháng Tám, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Lịch sử Quân sự, đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, đặc biệt là các cựu chiến binh, đã trào dâng niềm xúc động trước ký ức về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tái hiện khung cảnh thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tái hiện khung cảnh thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945.

Nằm trên đường Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam là một di tích lịch sử - điểm đến nổi tiếng với khách trong nước và quốc tế đến thăm Thủ đô.

Nhiều khách tham quan nghẹn ngào khi đứng trước những khoảnh khắc lịch sử, hình ảnh tư liệu chiến tranh quý giá, có một không hai về cuộc sống, những năm tháng đấu tranh, tù đày, chiến đấu hy sinh, gian khổ của quân và dân Việt Nam để giành lại độc lập cho đất nước.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là thắng lợi của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn Câu lạc bộ cựu tướng lĩnh ASEAN tới thăm quan Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam nhân dịp Việt Nam đón lễ kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Một số bảo tàng tại thủ đô Hà Nội trong dịp này đã dành gian trưng bày riêng các loại vũ khí thô sơ tự tạo, nhóm vũ khí, phương tiện của nhân dân sử dụng trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, từ mã tấu, mũi lao, ngọn kích, kiếm, gậy,... đến các kiểu súng như: Nòng súng kíp tự chế tạo của du kích Cao Bằng; súng kíp tự chế tạo của du kích Phú Thọ; gậy tầm vông của nhân dân An Giang, Tiền Giang...

“Các bộ sưu tập về báo chí, truyền đơn cách mạng, sưu tập lá cờ được người dân dùng trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 cũng thu hút sự quan tâm của công chúng trong khoảng 1 tuần trở lại đây”, bà Phạm Thị Mai Thủy - Trưởng phòng giáo dục công chúng (Bảo tàng lịch sử Quốc gia) cho biết.

Hướng dẫn viên giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tài liệu khoa học phản ánh về lịch sử quân sự Việt Nam qua từng giai đoạn.

Đặc biệt là những lá cờ dùng trong khởi nghĩa của nhân dân Quảng Ngãi; cờ treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào; cờ của Việt kiều treo ở Pari (Pháp) chào mừng Ngày Độc lập; phù hiệu của nhân dân Hà Nội dùng trong ngày Tổng khởi nghĩa... Nhiều hiện vật gắn liền với các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và cuộc binh biến Đô Lương được xem là vật chứng lịch sử quan trọng, thể hiện không khí sục sôi cách mạng ở khắp các địa phương trong cả nước.

Truyền đơn của Mặt trận Việt Minh kêu gọi binh lính người Việt quay về với cách mạng, cùng đồng bào khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Theo bà Phạm Thị Mai Thủy, những bộ sưu tập truyền đơn, báo chí trong cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945; nhóm văn bản, tài liệu phổ biến đường lối của Đảng, Mặt trận Việt Minh được xem là điểm nhấn của đợt trưng bày lần này. Trong đó, đáng chú ý nhất có: Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh năm 1941; Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh; Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng ngày 12/8/1945 do đồng chí Võ Nguyên Giáp ký.

Hàng trăm truyền đơn cách mạng trong thời kỳ cách mạng đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Trong giai đoạn lịch sử này, truyền đơn là hình thức tuyên truyền hiệu quả sử dụng tập hợp kêu gọi vận động quần chúng nhân dân đoàn kết thành một khối sức mạnh, theo Đảng góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Truyền đơn là những tờ giấy nhỏ được in thạch hoặc chép tay. Phần lớn truyền đơn được sưu tầm từ Hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp hoặc hồ sơ của chiến sĩ cách mạng bị tù đày. Ngôn ngữ biểu đạt của truyền đơn ngắn gọn, dễ hiểu với toàn thể quần chúng nhân dân. Để làm ra truyền đơn và truyền bá đến nhân dân, các chiến sĩ cách mạng không chỉ dốc toàn bộ tâm trí mà phải đánh đổi bằng máu, thậm chí là cả tính mạng.

Chiếc ấm mà người dân vùng cao sắc thuốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người bị ốm ở Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) năm 1945.

Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Thượng tá Lê Vũ Huy cho biết: “Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu trữ hàng trăm hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý liên quan về sự kiện Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Một trong những kỷ vật đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhiều du khách chính là Bộ kèn đồng. Ngày 2/9/1945, âm thanh của bộ kèn đồng này hòa cùng Bài hát ‘Tiến quân ca’ đã vang lên trong ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ kèn đồng đã được đồng chí Đinh Ngọc Liên trao tặng Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) năm 1959”.

Đoàn xe đạp thồ chở lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường trong Đông Xuân 1953 – 1954 (ảnh trêncùng, bên trái)

Thời gian gần đây, đặc biệt trong 2 ngày cuối tuần, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã đón nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước.

Tham quan bảo tàng, sinh viên Trương Quang Huy - Khoa Chủ nghĩa Xã hội Khoa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Lần đầu tiên em được hiểu tường tận về từng giai đoạn lịch sử nhờ lời giới thiệu của hướng dẫn viên. Em rất xúc động khi được xem các thước phim tài liệu, được nhìn thấy các vũ khí, các kỷ vật của chiến tranh năm xưa. Thậm chí, có những hiện vật, câu chuyện được kể lại khiến em chảy nước mắt vì cảm nhận những hy sinh quá lớn của các chiến sỹ và nỗi mất mát do chiến tranh gây ra. Chúng em cố gắng học thật tốt để đóng góp cho Tổ quốc”.

Ông Lê Minh Hóa - đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội dẫn cháu trai (du học sinh Đức về nước) tham quan Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Tới tham quan bảo tàng, họ - những cựu chiến binh trong nước và quốc tế, những đoàn khách là đồng bào dân tộc thiểu số đã không giấu được niềm xúc động khi tận mắt chứng kiến những hiện vật tái hiện lại một thời gian khó mà hào hùng. Những thế hệ trước giới thiệu cho thế hệ sau về nguồn gốc, ý nghĩa của các kỷ vật, hiện vật mang giá trị thiêng liêng của lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.

Tác giả: L.Sơn - M.Phương

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP