Kinh tế

Xuất khẩu nông sản cuối năm sẽ giảm mạnh

Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất cung ứng nông sản 19 tỉnh, thành phố ở phía Nam.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (Tổ trưởng tổ công tác) cho biết, nhu cầu thị trường hiện vẫn rất lớn song trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa, việc thu hoạch và sản xuất tại một số tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Dự kiến 6 tháng cuối năm nguồn cung nông sản phục vụ cho xuất khẩu sẽ giảm mạnh.

Ví dụ, đối với xuất khẩu rau quả, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Thế nhưng, hiện do áp dụng giãn cách xã hội, cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp; tâm lý người dân không tốt dẫn đến việc thiếu sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu. Dự kiến xuất khẩu rau quả 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 30%.

Về thủy sản, theo ông Trần Thanh Nam dù thị trường xuất khẩu khá thuận lợi nhưng dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp, nhà máy… khiến các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là DN ở khu vực Nam bộ hầu hết giảm công suất chỉ còn 50%.

“Thời gian tới, xuất khẩu thủy sản phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Trong điều kiện tốt nhất, dịch lắng xuống và kiểm soát được sau 3 tháng tới, mức tăng xuất khẩu thủy sản hằng tháng sẽ đạt khoảng 6-8%. Khi đó, xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD.

Nếu tình hình xấu hơn, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), xuất khẩu thủy sản chỉ có thể đạt tối đa 8,8 tỷ USD”, ông Trần Thanh Nam nói.

Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, Tổ công tác dự báo có thể có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết. Do vậy, cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là lưu thông và chế biến, cấp đông khi giá gia cầm hạ quá thấp.

Theo Thứ trưởng Nam, hiện tại, một số mặt hàng nông sản (như thanh long, chuối, dứa, chanh, gà lông trắng, cá tra, tôm) khó tiêu thụ, ứ đọng, giá xuống thấp, dẫn đến một bộ phận nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có tâm lý băn khoăn chán nản trong tái đầu tư sản xuất.

Tác giả: Dương Hưng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP