Chiều 31/5, có mặt tại tuyến đường ven Rạch Tôm, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (TPHCM), phóng viên ghi nhận: mặt đường trước số nhà 1740/33 Lê Văn Lương, (Ấp 3) xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 40m, chiều rộng vết nứt khoảng từ 4 - 6cm. Ngoài ra còn có vết nứt gần mép sông từ 1 đến 6 m (tính từ sông vào trong bờ).
|
Mặt đường trước số nhà 1740/33 Lê Văn Lương (Ấp 3) nứt toác |
Quan sát kỹ, một số vết nứt còn xuất hiện trên tường rào, nền nhà của một số hộ dân trong khu vực. Việc này khiến người dân lo lắng; nhiều hộ phải cuống cuồng di dời đồ đạc đến nhà người quen hoặc trường học gần đó để gửi.
Ông Võ Văn Hoan, người dân sống gần Rạch Tôm cho biết, 2 hôm trước, ông và người thân ngủ dậy thì phát hiện con đường trước nhà nứt toác, nhiều vị trí trong nhà cũng nứt theo. Cụ thể, bức tường trước sân nhà nứt từ 2-10 cm...
“Điều chưa từng xảy ra tại xóm ven sông này. Rất nhiều người hoảng sợ, lo căn nhà mình đang ở sẽ trôi sông”- ông Hoan nói
Người hàng xóm của ông Hoan, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan lo lắng không kém: “Mấy hôm nay tôi mất ăn mất ngủ, lo sợ giữa đêm nhà trôi xuống sông như ở miền Tây thì nguy. Phải cố thức để trông con cái, tài sản”...
|
Một số vết nứt còn xuất hiện trên tường rào, nền nhà một số hộ dân trong khu vực |
Trước tình trạng sạt lở ven Rạch Tôm, chính quyền xã Nhơn Đức đã bố trí lực lượng canh chừng 24/24 giờ, nếu xảy ra sự cố có thể kịp thời hỗ trợ người dân. UBND xã cũng sắp xếp chỗ cho các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở ở tạm.
Liên quan đến sự việc, Khu Quản lý đường thủy nội địa đã có văn bản báo cáo sự việc cho Sở GTVT, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè nắm bắt thông tin và chủ động ứng phó.
Theo đánh giá của cơ quan này, nếu so sánh cao độ mặt đường ngay tại vết nứt xảy ra hiện trạng khu vực ngoài sông bị lún xuống khoảng 3 đến 5cm, bờ sông chưa được gia cố bảo vệ. Nếu sạt lở xảy ra sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hạ tầng và các hộ dân đang sinh sống với diện tích bị ảnh hưởng từ 500 đến 600m2; số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng từ 7 đến 8 căn nhà xây tường gạch, mái lợp ngói hoặc tôn...
Ngoài ra, hạ tầng bị ảnh hưởng bao gồm toàn bộ phần đường bê tông nhựa từ trước nhà số 1740/33 đến cuối hẻm (40mx3m); 2 trụ điện bê tông cốt thép và hệ thống ống cấp nước dân sinh đặt ngầm dưới lòng đường, 1 cầu dân sinh phía cuối hẻm kết nối vào 2 hộ dân phía trong (cầu bê tông cốt thép rộng 2m).
Trước lo ngại trên, Khu kiến nghị Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra thực tế hiện trạng, đánh giá tổng thể về nguy cơ xảy ra sạt lở để có giải pháp, biện pháp ứng phó.
Khu cũng thực hiện ngay việc lắp đặt báo hiệu khu vực sạt lở để cảnh báo và tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở.
Ngoài ra, Khu kiến nghị Sở Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương giao cho Khu nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ, chống sạt lở tại khu vực với quy mô đầu tư phù hợp...
Tác giả: Tuấn Kiệt
Nguồn tin: Báo VietNamNet