Một tín, mười ngờ...
Dù mang thai đến tuần thứ 35 nhưng Ngọc Mai vẫn không thể “yên thân” chờ đẻ vì những lời đàm tiếu về nguồn gốc cái thai trong bụng.
Chồng của Mai vốn làm nghề kinh doanh. Để dành được chút vốn liếng, anh trở về quê lập nghiệp và gặp Mai. Thấy anh hiền lành, chăm chỉ, Mai đem lòng cảm mến, yêu thương. Họ đã nghĩ tới “ngôi nhà và những đứa trẻ”, vì thế, Mai đã đồng ý để người yêu vượt qua giới hạn.
Khi Mai thông báo “có thai”, người yêu mừng ra mặt, vội về xin bố mẹ đôi bên cho làm đám cưới. Tuy nhiên, trái ngược với cảm xúc của đôi trẻ, mẹ chàng trai soi mói Mai đủ kiểu.
"Không biết đứa trẻ trong bụng có đúng là con anh ấy không?". Lời nói cay nghiệt đó khiến thai phụ phải đi xét nghiệm ADN thai nhi. Ảnh minh họa. |
Điều bà ấm ức nhất là “chúng nó dám ăn cơm trước kẻng”, làng xóm sẽ cười vào mặt. Rồi bà lo lắng “biết đứa trẻ có chính xác là máu mủ nhà mình hay con trai mình chỉ là kẻ “đổ vỏ”.
Mọi chuyện dùng dằng, mãi đến khi cái bụng lùm lùm Mai mới được lên xe hoa. Những ngày tháng dưỡng thai ở nhà chồng, Mai luôn cảm thấy căng thẳng vì sự ngờ vực của bà mẹ chồng dành cho mình. Cho dù chồng Mai khăng khăng “đó là con của con” nhưng mẹ chồng vẫn dành cho cô những lời cay nghiệt, xúc phạm mỗi khi chồng vắng nhà.
Tiếp nhận trường hợp này, ThS. Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền vẫn nhớ mãi lời Mai nói qua điện thoại: “Cháu xét nghiệm có việc”.
Bà Nga ngạc nhiên hỏi tại sao không chờ thêm vài tuần nữa, đứa trẻ ra đời hẵng làm xét nghiệm, đỡ mất công chọc ối lấy mẫu. Nhưng Mai không thể chờ được nữa.
Đến khi có kết quả “là con”, cô mới dốc lòng tâm sự với bà Nga về nỗi oan mình phải trải qua. Cực chẳng đã, Mai muốn làm xét nghiệm ADN ngay lập tức để “nhà chồng trắng mắt ra”.
Hờn tủi phận mẹ bầu đi xét nghiệm ADN
Trao đổi với PV Em Đẹp, ThS. Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền cho biết, cho đến nay Trung tâm đã từng làm xét nghiệm để tìm huyết thống cho thai nhi trên 1000 ca.
Ngày nào Trung tâm Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền cũng tiếp nhận mẹ bầu đến xét nghiệm ADN thai nhi trước sinh. Ảnh: Thu Hà |
Phương pháp xét nghiệm ADN để tìm quan hệ huyết thống khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ là nhờ hút một lượng nước ối nhỏ 3cc (khoảng một đốt ngón tay).
Nước ối mang nhiều ADN của đứa trẻ nên từ lượng nước ối này, người ta biết chính xác 100% đứa trẻ có phải là con người cha, hoặc người mẹ bị “nghi vấn” hay không? Cho đến nay, chọc ối qua thành bụng để xét nghiệm ADN vẫn là phương pháp an toàn, cho kết quả chính xác tuyệt đối.
Theo đó, người đến làm dịch vụ này thường là những mẹ bầu bị chồng, nhà chồng nghi ngờ. Đó cũng có thể là những người mẹ buông thả đến nỗi không biết ai là cha của đứa trẻ để “bắt đền”. Thậm chí, người mẹ ấy có con trong hoàn cảnh bị cưỡng bức...
Xét nghiệm ADN thai nhi trước sinh trở thành một nhu cầu “nóng” trong xã hội hiện nay để giải quyết mối ngờ vực về huyết thống đứa trẻ trước khi chúng chào đời. Có những ngày số lượng mẹ bầu xét nghiệm ADN thai nhi lên tới 4 – 5 ca. Trung bình mỗi tuần Trung tâm của bà tiếp nhận hơn 10 mẹ bầu.
Mới đây, bà Nga gặp ca mẹ mang bầu thai nhi 10 tuần xin chọc ối để xác định huyết thống. Tuy nhiên, bà Nga phải từ chối, khuyên mẹ bầu chờ đến 12 tuần mới nên làm.
Thực tế cũng có những câu chuyện vô cùng đau lòng. Bà Nga từng gặp trường hợp thai nhi chết lưu rồi vẫn bị người bố lấy một mảnh thai mang đến Trung tâm nhờ xét nghiệm xem có phải con mình hay không?
“Người chồng nghi ngờ đến mức vợ bị sảy thai, sau khi làm thủ thuật bỏ thai vẫn cố mang bào thai bị sảy đi xét nghiệm ADN. Người vợ dù sảy thai, bức xúc nhưng vẫn quyết xét nghiệm bằng được để chồng phải tin mình trong sạch. Sau khi có kết quả là con, người chồng hối hận khủng khiếp nhưng không thể làm gì được nữa”, bà Nga nhớ lại.
(Họ tên nhân vật đã được thay đổi)
Tác giả: Thu Hà
Nguồn tin: emdep.vn