Nhân ái

Xót xa gần một trăm học sinh nghèo nằm sạp gỗ, giường tre bám trường

Để tìm kiếm con chữ, các em học sinh nghèo ở xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An đã phải nằm sạp gỗ, giường tre nứa tạm bợ để bám trường, bám lớp…

Những ngày trung tuần tháng 4, vượt hơn 350 km từ thành phố Vinh, chúng tôi có dịp ghé thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) - Tiểu học Mai Sơn, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An).

Đây là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, cách xa trung tâm huyện 120 km. Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn có 5 điểm lẻ với 268 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Khơ Mú, Mông). Các điểm trường nằm rải rác, cách xa trung tâm xã trên 10 km, đi lại khó khăn, nguy cơ sạt lở cao. Để đến được trường, học sinh tại nhiều bản như: Phá Kháo, Piêng Coọc, phải đi bộ hàng giờ đồng hồ.

Xót xa gần một trăm học sinh nghèo nằm sạp gỗ, giường tre bám trường

Do địa bàn miền núi cao, có diện tích tự nhiên rộng lớn, chia cắt, phân tán, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông đi lại quá khó khăn… nên hệ thống trường học cũng bị ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến việc quy hoạch các điểm trường, nhất là bậc Tiểu học gặp nhiều bất lợi. Để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu tình trạng quy mô trường lớp manh mún, năm học 2021-2022, Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn đã triển khai mô hình trường học bán trú bậc Tiểu học cho học sinh lớp 3-5.

Thầy Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn cho biết, nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là việc tổ chức dạy và học môn tin học, ngoại ngữ, năm học 2021-2022, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dồn học sinh lớp 3, 4, 5 toàn xã về học tại trường chính ở bản Huồi Tố 1.

"Địa bàn đi lại khó khăn, thời gian từ nhà học sinh đến trường chính của các bản Piêng Coọc, Phá Kháo, Chà Lò, Na Kha, Na Hang phải mất hơn một giờ đồng hồ. Hiện trường có 120 em học sinh thuộc các bản nói trên phải ở lại bán trú tại điểm trường chính trong suốt cả tuần để tham gia học tập.

Do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, hiện nay nhà trường phải trưng dụng, cải tạo lại nhà kho để hàng hóa của một gia đình gần trường làm chỗ ở cho 80 em học sinh bán trú. Do đó rất khó khăn trong công việc quản lý học sinh, qua Báo điện tử Dân trí, nhà trường mong muốn bạn đọc ủng hộ xây dựng một nhà bán trú để các em học sinh có chỗ ở ổn định và an tâm học tập tốt hơn", thầy Hải tha thiết.

Đầu năm học mới, nhà trường đã huy động giáo viên, phụ huynh tổ chức làm sạp bằng tre, nứa, gỗ lấy chỗ cho học sinh ngủ. Mùa đông nơi vùng biên giới này rất lạnh, nước ấm cho các em tắm rửa hàng ngày để đảm bảo sức khỏe cũng là vấn đề khiến thầy cô và phụ huynh lo lắng.

Các bậc phụ huynh mang nứa, mét, gỗ đến trường làm giường cho con em ở bán trú.

Không chỉ thiếu chỗ ở cho học sinh, nhà trường còn thiếu 3 phòng học văn hóa, 1 phòng tin học, 1 phòng học tiếng anh. Các vật dụng để phục vụ cho việc ăn, ở bán trú như giường tầng, khay đựng cơm, bàn ăn, ghế ngồi… thiếu thốn. Nếu không sớm được hỗ trợ cơ sở vật chất thì việc triển khai dạy tin học, ngoại ngữ cho học sinh khối lớp 3-5 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Kha Văn Lập - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, hiện huyện có 85 điểm trường, trong đó có 66 điểm trường lẻ. Khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính từ 3 km trở lên, có những điểm lên tới 20 km, giao thông đi lại rất khó khăn.

"Theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn ngoại ngữ, tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3-5. Với quy mô trường lớp của cấp Tiểu học như hiện nay thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, bố trí đủ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học ở tất cả các điểm trường là không thể thực hiện được, nhất là tại các điểm trường lẻ", ông Kha Văn Lập chia sẻ.

Cũng theo ông Lập, trước thực tế đó, nhiều trường trên địa bàn huyện Tương Dương phải tổ chức gom học sinh vào các điểm chính để triển khai học bán trú.

"Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 trường đang triển khai mô hình bán trú bậc Tiểu học gồm: Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, Lưu Kiền và Yên Thắng. Tuy nhiên, nhiều trường lại không đủ nhà ở bán trú cho học sinh. Hầu hết các trường Tiểu học trên địa bàn huyện đang thiếu hụt trầm trọng về cơ sở vật chất, giáo viên dạy ngoại ngữ, trang thiết bị dạy, học môn tin học…", ông Lập cho biết thêm.

Cũng theo ông Lập, để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện Tương Dương đã có đề án "Xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có tổ chức bán trú cấp Tiểu học trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Một số hình ảnh hàng trăm học sinh nghèo nằm sạp gỗ, giường tre để theo học chữ:

Khu trọ được Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn thuê tạm bên ngoài cho 80 học sinh ở học tập.

Học sinh xa nhà nằm ngủ trên những chiếc giường tầng được làm tạm bợ bằng tre, nứa... Diện tích ký túc xá khoảng 63m2, đây là nơi ở của gần 80 em học sinh. Đa số các em đều là con em của những gia đình nghèo đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ Mú.

Những chiếc màn cũ được nhà trường tận dụng để tránh muỗi cho học sinh.

Những chiếc giường "cây nhà lá vườn" do các bậc phụ huynh làm để con em có chỗ kê lưng sau mỗi buổi học.

Tường nhà được thưng bằng phên nứa, nhưng nay đã bị mối mọt hư hỏng.

Đây là khu nhà kho để hàng hóa của một gia đình ở gần trường được trưng dụng, cải tạo làm chỗ ở bán trú cho học sinh.

Học sinh nằm trên những tấm liếp được làm bằng nứa đập dẹt, phơi khô.

Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn có 5 điểm trường với 268 học sinh, đều là dân tộc thiểu số gồm: Thái, Khơ Mú, Mông. Đây là hình ảnh các em học sinh xem chương trình văn hóa tập trung.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Mai Sơn, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương.

Thầy Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng (ĐT: 0942204966)

Tác giả: Nguyễn Phê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP