Kinh tế

Xóa 3.000 giấy phép con, lại 
lòi “giấy phép mẹ”

Từ ngày 1-7, với việc ban hành 50 nghị định về điều kiện kinh doanh, 3.000 giấy phép con bị xóa xổ nhưng nhiều trong số đó lại trở thành “giấy phép mẹ” bởi được quy định trong nghị định.

Ảnh: Quang Định



Từ đầu tháng 7-2016, các nghị định liên quan Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp đưa vào áp dụng sẽ chính thức xóa sổ hàng loạt giấy phép con, các điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư, quy định của các bộ, ngành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông VŨ TIẾN LỘC - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - cho rằng “cuộc chiến” loại bỏ giấy phép con sẽ cởi trói cho doanh nghiệp Việt phát triển, nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc mà mới... bắt đầu.

Ông Lộc nói:

- Thời gian qua, thực hiện Luật đầu tư, việc rà soát các điều kiện kinh doanh được tiến hành theo hướng xóa bỏ toàn bộ các điều kiện kinh doanh được quy định tại các thông tư, quyết định của các bộ, ngành - cái mà chúng ta hay gọi là giấy phép con.

Theo thống kê, có khoảng 3.000 giấy phép con trong tổng số gần 7.000 điều kiện kinh doanh đang tồn tại.

Như vậy đến ngày 1-7, với việc ban hành 50 nghị định về điều kiện kinh doanh, số giấy phép con trên chính thức bị xóa sổ.

Nhiều trong số đó đã trở thành “giấy phép mẹ”, nghĩa là điều kiện kinh doanh được quy định trong nghị định của Chính phủ. Nhiều giấy phép đã được bãi bỏ, nhưng cũng không ít quy định sẽ được đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của các ngành.

Tuy nhiên, thời gian rà soát các văn bản trên rất gấp. Cho dù Luật đầu tư đã dành một năm cho công việc này nhưng thực tế chỉ từ tháng 4-2016, sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì công việc này mới thật sự chuyển động.

Vì thời gian gấp nên chưa thể kỳ vọng toàn bộ điều kiện kinh doanh vừa “lên” nghị định đều thỏa mãn các tiêu chuẩn được quy định tại Luật đầu tư cũng như đáp ứng yêu cầu mới của phát triển.

* Để có được 50 nghị định mới về điều kiện kinh doanh kịp thời gian quy định, VCCI đã có nhiều ý kiến. Tại sao vẫn còn những nghi ngại như vậy?

- Đây cũng là điều tôi muốn nói, VCCI chỉ được tiếp cận với các dự thảo vào những tuần cuối tháng 6, khi các văn bản đã gần như hoàn tất thủ tục để trình Chính phủ.

Trước đó, VCCI cũng như các doanh nghiệp rất khó tiếp cận các dự thảo này. Đến mức giữa tháng 6 chúng tôi đã phải có cuộc hội thảo để các doanh nghiệp lên tiếng, kiến nghị các vấn đề trong một số ngành. Phần lớn là ý kiến chủ quan từ doanh nghiệp. Số dự thảo VCCI nhận được rất ít.

Khi đó VCCI đã gọi các dự thảo là “8 không”, đó là không đăng dự thảo trên mạng, không lấy ý kiến doanh nghiệp, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không thuyết minh, không bản giải trình ý kiến.

Lý do các bộ đưa ra là theo quy trình rút gọn.

Rất mừng là tiếng nói của doanh nghiệp đã đến được Chính phủ. Trong hai tuần cuối trước khi các văn bản được hoàn tất trình Chính phủ ký ban hành, VCCI đã được mời tham gia trực tiếp các cuộc làm việc giữa Chính phủ và các bộ ngành.

Thậm chí Chính phủ đã rà soát từng điều khoản của các nghị định theo kiến nghị của VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Tiếng nói của doanh nghiệp đã không chỉ ở vòng ngoài mà vào tận vòng trong, ở Chính phủ.

Nhưng cũng trong thời gian gấp như vậy, VCCI chưa thể rà soát đầy đủ và toàn bộ các văn bản. Hơn nữa, ý kiến của VCCI cũng mới tổng hợp được từ một số hiệp hội, doanh nghiệp, chưa phải là tất cả các đối tượng được điều chỉnh, phần lớn là ý kiến chuyên gia của VCCI.

Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị công việc rà soát sẽ phải tiếp tục, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo chất lượng văn bản được ban hành với tư duy đổi mới, không áp đặt tư duy cũ vào các văn bản mới này để giải phóng sức sản xuất, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

* Vậy công việc tới đây có thể hình dung thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã rà soát sơ bộ, trong 267 ngành này có ít nhất 30-40 ngành có thể loại ra vì không đáp ứng bốn yêu cầu của Luật đầu tư với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng).

Đáng lo ngại nữa là vẫn có luật chuyên ngành trao quyền cho các bộ ngành ban hành các điều kiện kinh doanh dưới hình thức thông tư. Việc rà soát các văn bản này cũng cần phải được làm ngay.

Đặc biệt sau đợt rà soát vừa rồi, chúng tôi có thêm lo ngại là nhiều điều kiện kinh doanh ở thông tư sau khi không được “lên” nghị định đã khu trú trong các quy định về quy chuẩn kỹ thuật, “đổi tên họ” từ điều kiện kinh doanh sang quy chuẩn. Điều này thật sự đáng ngại.

Có thể nói vậy vì cho dù với quy định về quy chuẩn, cơ chế quản lý nhà nước đã chuyển sang hậu kiểm nhưng kèm theo đó sẽ là gánh nặng thanh tra, kiểm tra mà doanh nghiệp phải gánh chịu nếu như quy chuẩn đó không thật sự cần thiết, làm khó doanh nghiệp...

Doanh nghiệp kiến nghị các quy định về quy chuẩn cũng sẽ phải được rà soát, lấy ý kiến doanh nghiệp tương tự như đợt rà soát giấy phép con, để đảm bảo hệ thống quy chuẩn được kiểm soát chặt chẽ.

Tóm lại, ngày 1-7 không phải thời điểm kết thúc của quá trình cải cách về điều kiện kinh doanh, mà chính là thời điểm khởi đầu công cuộc này đi vào thực chất, xóa bỏ lợi ích cục bộ, “quyền anh - quyền tôi” của các bộ như Thủ tướng đã cam kết.

* Ngoài yếu tố kỹ thuật thì yếu tố con người cũng được các doanh nghiệp cho rằng đang gây cản trở nhiều. Có doanh nghiệp xin giấy phép bị yêu cầu bổ sung cả chục lần?

- Điều này rất quan trọng bởi thể chế thể hiện ở từng cán bộ công chức. Nếu hành xử của công chức không theo kịp tư duy đổi mới của cơ chế, chính sách thì doanh nghiệp sẽ không thể hưởng lợi. Thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên thông dưới không thoáng”.

Chúng tôi đang xây dựng và trình kế hoạch để người dân chấm điểm cán bộ công chức theo hai hình thức định kỳ thông qua phiếu điều tra và gắn máy chấm điểm trực tiếp tại công sở.

Hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện mô hình “người dân và doanh nghiệp bấm nút chấm điểm công chức”. Họ làm rất tốt. Lần này nghị quyết 19 và nghị quyết 35 Chính phủ đã quy định trách nhiệm rõ ràng, không kiểu “ông này chỉ ông kia” mà tất cả quy về một đầu mối.

Hồ sơ của doanh nghiệp chỉ phải bổ sung một lần duy nhất.

Ở đây tôi thấy song song với quá trình ứng dụng công nghệ thông tin thì các cơ quan ban ngành cần có các trung tâm hành chính công.

Tất cả các cơ quan ban ngành tập trung trong một tòa nhà, doanh nghiệp đến làm thủ tục chỉ cần đi một vòng là xong từ A-Z. Các địa điểm này không cần là các tòa nhà hành chính to lớn.

* Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 VN có 1 triệu doanh nghiệp. Liệu sắp tới mục tiêu này có đạt được?

- Việc phát triển doanh nghiệp và quy mô cần đi đôi với phát triển doanh nghiệp đạt chuẩn quốc tế, vì nay ta hội nhập doanh nghiệp có đạt chuẩn mới tham gia chuỗi toàn cầu được. Ở đây để phát triển số lượng doanh nghiệp cần vực dậy nhóm 5 triệu hộ kinh doanh để họ lớn mạnh lên.

Hiện nay Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong giai đoạn lấy ý kiến và dự kiến đến năm 2017 sẽ có những dự thảo đầu tiên.

Hội nhập đang tạo sức ép và chúng ta phải nâng chuẩn doanh nghiệp nhỏ và vừa để đáp ứng các điều kiện kết nối với chuỗi toàn cầu, doanh nghiệp trong nước cần chú trọng về năng lực quản trị.

Hiện doanh nghiệp các nước chỉ phải đối phó với thị trường nhưng doanh nghiệp trong nước còn phải đối phó với rủi ro chính sách. Đặc biệt là những doanh nghiệp đang đi theo con đường “quan hệ” với chính khách, kiểu ngày làm kinh doanh tối đi quan hệ.

“Chúng tôi có thêm lo ngại là nhiều điều kiện kinh doanh ở thông tư sau khi không được “lên” nghị định đã khu trú trong các quy định về quy chuẩn kỹ thuật, “đổi tên họ" từ điều kiện kinh doanh sang quy chuẩn. Điều này thật sự đáng ngại

Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:

Chỉ giao một cơ quan, một đầu mối

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm và đây là nhiệm vụ ưu tiên số 1; trong đó sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ các rào cản, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Việc ban hành các văn bản thực hiện chi tiết luật, pháp lệnh (như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư 2014) để không có khoảng trống, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Với tinh thần hết sức quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, việc ban hành các văn bản vừa qua bảo đảm tiến độ nhưng không vì tiến độ mà coi nhẹ chất lượng.

Lần này, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tất cả những việc liên quan đến tình trạng chồng chéo, chồng lấn, không rõ... phải minh bạch làm rõ. Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một cơ quan chỉ giao cho một đầu mối và có người đứng đầu để tổ chức thực hiện.

(Trích phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 30-6-2016)

C.V.KÌNH

Tác giả bài viết: Đình Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP