Giáo dục

Xét nghiệm COVID-19 học sinh khi trở lại trường: Nơi bắt buộc, nơi khuyến khích

Học sinh trở lại trường, Hà Nội, TP.HCM không bắt buộc test SARS-CoV-2, còn Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu xét nghiệm toàn bộ.

Mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán, một số địa phương yêu cầu 100% giáo viên, học sinh xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 trước khi đến trường; trong khi một số nơi không bắt buộc mà yêu cầu khai báo y tế, đo nhiệt độ...

Mỗi nơi một kiểu

Tại Hà Nội, học sinh khối lớp 7 - 12 trở lại trường từ 8/2, lớp 1 - 6 đi học từ 10/2. Sở GD&ĐT không quy định bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2 cho học sinh trước khi đến lớp, chủ yếu vẫn chỉ yêu cầu làm tốt công tác khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ cho học sinh. Trong giờ học, các em thực hiện giãn cách, hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nhiều trường chủ động đặt mua kit xét nghiệm nhanh, hoặc phối hợp với các trạm y tế địa phương để sử dụng khi có học sinh, giáo viên nghi nhiễm. Các trường khuyến khích phụ huynh tự xét nghiệm cho con tại nhà trước khi học trực tiếp.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. (Ảnh minh hoạ: SKĐS)

Bà Văn Thuỳ Dương, phó hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trường thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin, tình hình sức khoẻ của học sinh thông qua phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm các lớp. Trường yêu cầu phụ huynh tự test nhanh SARS-CoV-2 cho con tại nhà từ 1 - 2 lần/tuần trước khi trở lại trường để đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

"Khi phát hiện F0, trường nhanh chóng khoanh vùng, yêu cầu F1 tự cách ly tại nhà theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và thực hiện test nhanh âm tính trước khi trở lại trường học. Với học sinh không may mắc COVID-19, trường phối hợp với gia đình theo dõi sức khoẻ và bố trí cách thức học phù hợp cho các em", bà Dương nói. Quan điểm của trường sẽ không đóng cửa toàn bộ khi có F0 mà thay vào đó là khoanh vùng diện hẹp, từng lớp, từng tầng và từng toà nhà học.

Tại Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, tỉnh không quy định cứng việc test SARS-CoV-2 trước khi cho trẻ đến trường, chỉ những trường ở vùng có nguy cơ cao cần chủ động tầm soát, có thể là xét nghiệm ngẫu nhiên.

Tại TP.HCM, từ ngày 7/2, học sinh khối lớp 7 đến 12 trở lại trường học trực tiếp. Ngoài các biện pháp đo thân nhiệt, khai báo y tế trước khi đến trường, không tụ tập và hạn chế hoạt động tập trung, Sở GD&ĐT TP.HCM không yêu cầu học sinh làm xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi đến trường. Dù vậy một số trường đưa ra cách làm riêng phối hợp với gia đình tự test nhanh tại nhà vào chủ nhật hàng tuần để đảm bảo an toàn cho chính học sinh và các bạn khi đi học. Việc làm này cũng nhận được sự đồng tình từ hầu hết phụ huynh trong bối cảnh dịch còn phức tạp như hiện nay.

Đại diện Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết, chủ trương của tỉnh là không yêu cầu các trường test nhanh cho học sinh trên diện rộng. Nhà trường chỉ kiểm tra khi các em có biểu hiện sức khoẻ bất thường, nghi nhiễm. Sở GD&ĐT đề nghị các trường chú trọng công tác khử khuẩn và 5K, đảm bảo giãn cách.

Trong khi đó, Sở GD&ĐT Tuyên Quang yêu cầu 100% giáo viên khi trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết phải xét nghiệm SARS-CoV-2. Còn với học sinh các cấp học, nhà trường phối hợp với cơ sở y tế tổ chức test theo đăng ký của gia đình hoặc gia đình tự test rồi thông báo kết quả đến giáo viên chủ nhiệm lớp.

Tương tự, tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu xét nghiệm cho 100% giáo viên, học sinh trước khi đến lớp hàng tuần. Việc các địa phương yêu cầu test trước khi trở lại trường khiến không ít phụ huynh phản đối và tranh cãi về sự cần thiết của quy định này.

Học sinh đo thân nhiệt ở cổng trường. (Ảnh minh họa: WL)

Bộ GD&ĐT không bắt buộc

Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ không quy định bắt buộc 100% giáo viên, học sinh, sinh viên xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường. Việc xét nghiệm bắt buộc chỉ thực hiện khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm. Việc xét nghiệm hay không tuỳ thuộc vào quyết định của địa phương, nhưng cần lưu ý đến sự đồng thuận của phụ huynh để tránh lãng phí và khó khăn trong việc học sinh trở lại trường.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, việc cần thiết hiện nay là chuẩn bị đủ trang thiết bị y tế để phòng dịch, trong đó kit xét nghiệm để sử dụng khi giáo viên, học sinh xuất hiện biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ. Khi xây dựng phương án xử trí, địa phương cần phải tính toán cho cả trường hợp có nhiều học sinh bị lây nhiễm để không lúng túng, bị động.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho rằng yêu cầu test nhanh cho trẻ trước khi trở lại trường học là không cần thiết.

Bộ Y tế quy định, chỉ xét nghiệm COVID-19 với những người đi hoặc đến từ địa bàn cấp 4, vùng phong tỏa; trường hợp nghi ngờ cần chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn cấp 3. Người đã tiêm đủ liều vaccine và F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi được yêu cầu điều tra dịch tễ.

Tác giả: HÀ CƯỜNG

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP