Xã hội

Vụ thu hồi văn bản ở Bộ VHTT&DL: Ông Huỳnh Tấn Vinh có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường?

Chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu yêu cầu xử lý về phát ngôn của ông Vinh gây ra thiệt hại thì ông Vinh có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái yêu cầu thu hồi văn bản đề nghị xử lý phát ngôn về Sơn Trà của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng; đồng thời yêu cầu Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản trên.

"Văn bản thu hồi văn bản".

Trước đó, vào ngày 2/6, văn bản số 2383/BVHTTDL-TCDL do chính Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký, nêu rõ tại tọa đàm "Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà", ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, đã phát biểu các ý kiến liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà "thiếu chính xác".

Nội dung "thiếu chính xác" được Bộ dẫn ra là ông Vinh nói quy hoạch Sơn Trà vi phạm các điều luật như: Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên môi trường, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Việc phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh bị đánh giá là là "chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề", Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Huỳnh Tấn Vinh giải trình, trả lời Bộ trước ngày 15/6.

Tuy nhiên, sau khi văn bản này được ban hành đã gây ra phản ứng trái chiều từ dư luận, đến sáng 4/6, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch thu hồi văn bản ngày 2/6.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã ký công văn thu hồi văn bản do chính mình ký chưa đầy 48 giờ trước đó. Đây có thể là một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử ban hành văn bản của các bộ, ngành ở nước ta. Điều đó khiến dư luận bày tỏ sự bức xúc.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái xin lỗi dư luận vì sự cố đáng tiếc này.

Liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, có thể nói rằng vụ việc Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành văn bản số 2383 ngày 02/6/2017 để yêu cầu xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh về Sơn Trà là văn bản khá bất ngờ với dư luận.

"Việc Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái (người ký văn bản trên) đã nhận thấy sai sót và có văn bản thu hồi, đính chính nội dung thông tin là dấu hiệu tích cực và nên làm". - luật sư Cường nói.

Theo phân tích của luật sư Đặng Văn Cường, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định và bảo đảm, bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội. Pháp luật chỉ cấm việc lợi dụng tự do ngôn luận để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Trong vụ việc trên, ông Vinh là "khách mời", là người được mời đến tham dự, thảo luận phát biểu ý kiến, vì vậy, phát biểu nội dung nào là quyền của ông Vinh, miễn là không lợi dụng việc phát biểu đó để vu khống, xúc phạm người khác.

Cách lập luận, chứng minh khi phát biểu của ông Vinh là hoàn toàn "bình thường" nếu không muốn nói là phát biểu tích cực, có căn cứ pháp lý, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét lại quy hoạch này.

Hội thảo này phải ghi nhận những ý kiến đóng góp của ông Vinh, còn việc quyết định có thay đổi, bổ sung, hủy bỏ quy hoạch hay không sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trên cơ sở pháp luật và quy hoạch tổng thể, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương này.

Dư luận đang hết sức quan tâm vụ việc này bởi người ban hành văn bản rồi thu hồi văn bản ấy sau chưa đầy 2 ngày không ai khác lại là một Thứ trưởng. Liệu ở những trường hợp tương tự như vậy, pháp luật có những chế tài để xử lý hay không?

Trao đổi với phóng viên về điều này, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, sự việc trên là một bài học về công tác quản lý và trách nhiệm của cơ quan tham mưu.

Cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong trường hợp này để có biện pháp xử lý phù hợp.

Không nên lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ban hành những văn bản trái luật, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích của người khác, xâm phạm quyền tự do ngôn luận.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Nếu sai phạm trong việc ban hành văn bản nêu trên chưa gây ra hậu quả lớn đối với ông Vinh nhưng gây ra dư luận xã hội không tốt, làm giảm lòng tin của người dân với chính quyền thì cũng cần xem xét trách nhiệm của những người tham mưu và người ký ban hành văn bản theo các quy định về kỷ luật cán bộ, công chức, kỷ luật viên chức.

Nếu hậu quả sai phạm được kết luận, đánh giá là cần xem xét kỷ luật thì hình thức xem xét kỷ luật sẽ phải tuân thủ trình tự, thủ tục luật định. Mức kỷ luật có thể là khiển trách hoặc cảnh cáo, tùy theo mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra (nếu có).

Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định:

Điều 8. Các hình thức kỷ luật

1. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Buộc thôi việc.

2. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc.

Điều 9. Khiển trách

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ;

2. Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; 3. Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 03 đến dưới 05 ngày làm việc trong một tháng; 5. Sử dụng tài sản công trái pháp luật; 6. Xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

7. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác.

Điều 10. Cảnh cáo

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; 2. Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi;

3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức; 5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng;

6. Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đang công tác; 7. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

8. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật.

Văn bản trên là văn bản hành chính, vì thế, cơ quan ban hành có thể sửa đổi, thu hồi, hủy bỏ văn bản đó. Vì vậy, việc ông Ái ký văn bản để thu hồi, hủy bỏ văn bản ngày 02/6 là một động thái tích cực, hợp lý và kịp thời.

Văn bản sau đã vô hiệu hoá văn bản trước đó, tuy nhiên nếu trong thời gian tồn tại của Văn bản ngày 2/6 về yêu cầu xử lý về phát ngôn của ông Vinh mà gây ra thiệt hại cho ông Vinh thì ông Vinh có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tác giả: Nguyễn Xinh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP