Pháp luật

Vụ "Chuyến bay giải cứu": Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng không kêu oan, xin xử vắng mặt

Theo chuyên gia về pháp lý việc bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) xin thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt và tác động người thân nộp khắc phục toàn bộ 18,8 tỉ đồng là tình tiết mới

Sáng nay 25-12, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa 21 bị cáo có đơn kháng cáo trong 54 bị cáo liên quan đến vụ án "Chuyến bay giải cứu", ra xét xử.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên toà sơ thẩm

Đáng chú ý, trước khi phiên toà phúc thẩm diễn ra, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên, cựu trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an) bị toà cấp sơ thẩm tuyên án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã có đơn gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội xin thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt. Cùng với đó, bị cáo Hưng đã tự nguyện tác động gia đình, người thân, bạn bè khắc phục thay Hưng toàn bộ số tiền 18,8 tỉ đồng. Bị cáo Hoàng Văn Hưng còn có đơn xin được xét xử vắng mặt.

Đây là diễn biến bất ngờ bởi trước đó tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 7-2023, Hoàng Văn Hưng nhiều lần một mực phản bác lại mọi cáo buộc từ cơ quan công tố. Thậm chí, khi nói lời sau cùng, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng còn trình bày "hi sinh cả mạng sống để kêu oan".

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm TAND TP Hà Nội, khẳng định tài liệu hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại tòa xác định đến tháng 9-2021 Hưng bị điều chuyển công tác, không còn tham gia điều tra vụ án nhưng vẫn nói dối về việc "chạy án", thông qua cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để chiếm đoạt tiền của Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky) 800.000 USD (gần 19 tỉ đồng).

Dưới góc độ pháp lý về việc cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng đã thay đổi nội dung kháng cáo, nộp lại số tiền khắc phục hậu quả, luật sư Trần Xuân Tiền (Văn phòng luật sư Đồng Đội), cho rằng đây được coi là tình tiết mới. Khi có tình tiết mới, bị cáo khai báo thành khẩn và đã khắc phục hậu quả, đó là cơ sở để cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ cho Hưng. Điều này hoàn toàn phù hợp theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp bị cáo Hoàng Văn Hưng vắng mặt tại phiên toà cấp phúc thẩm, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp), cho rằng nếu cựu điều tra viên vắng mặt tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử sẽ khó làm rõ được thái độ, lý do thay đổi kháng cáo và một số tình tiết liên quan khác.

Trong trường hợp bị cáo Hoàng Văn Hưng "thừa nhận hành vi phạm tội" mới chỉ là một trong những căn cứ để đánh giá bản chất vụ án. Tòa án sẽ còn phải xem xét lời nhận tội ấy có phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án hay không. Ngoài lời khai nhận tội, thái độ ăn năn, hối cải cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến mức hình phạt.

Tại phiên toà này, bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa) có đơn kháng cáo kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội. Tại phiên toà cấp sơ thẩm, Trần Minh Tuấn bị phạt 16 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 2 năm tù về tội "Đưa hối lộ", tổng hợp hình phạt là 18 năm tù.

Số bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, như: Tô Anh Dũng (cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị tuyên án sơ thẩm 16 năm tù). 3 bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân về tội "Nhận hối lộ". Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân (bị tuyên phạt 7 năm tù về tội "Nhận hối lộ") cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Trước đó, trong các ngày từ ngày 11 đến ngày 28-7, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân, về 5 tội danh: "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo bản án sơ thẩm, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước. Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các Bộ trong tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay.

Bốn Bộ còn lại gồm: Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng, chống dịch cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao, UBND một số tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ cho chủ trương cách ly tại địa phương.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, một số cá nhân thuộc các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trong đó, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỉ đồng.

Tác giả: Nguyễn Hưởng

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP