Cuộc sống

Vợ chồng giống nhau chưa chắc đã hạnh phúc, giống quá dễ chia tay

Các nhà tâm lý học khẳng định không phải các đôi giống nhau về tính cách đều hạnh phúc như mọi người vẫn tưởng.

Người Việt thường cho rằng vợ chồng có “tướng phu thê” sẽ hạnh phúc, nhưng theo một nghiên cứu mới công bố trên trang BBC, các nhà tâm lý học của Đại học Amsterdam (Hà Lan) tìm ra kết quả toàn diện hơn và không chỉ mang tính trực quan. Đó là: Sự giống nhau về nhân cách của các cặp ảnh hưởng theo cả 2 hướng tích cực và tiêu cực.

Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Manon van Scheppingen và các cộng sự cho biết họ đã nghiên cứu hàng nghìn cặp vợ chồng Mỹ trong thời gian vài năm để đi đến kết luận này.

Mặt tích cực của sự giống nhau chỉ trở thành thực tế nếu như có sự bù đắp. Ví dụ, một cặp vợ chồng mà người chồng có tính trách nhiệm cao, người vợ có tính trách nhiệm thấp hơn, thì sự thỏa mãn trong mối quan hệ nhiều khả năng xảy ra.

Ngược lại, nếu cả 2 đều có tính trách nhiệm, ý thức cao ngang nhau, thì lại có nguy cơ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Khảo sát cho thấy những cặp quá giống nhau thường không hạnh phúc. Đặc biệt, nếu cả vợ và chồng đều có tính hướng ngoại ngang nhau thì hạnh phúc của họ có thể bị đe dọa.

Ảnh: aflamget.

Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu đã “chấm điểm” từng loại nhân cách của các cặp vợ chồng/người yêu, với tổng cộng 5 loại nhân cách chính. Họ chỉ ra 3 đặc điểm chung dễ đem lại hạnh phúc cho các đôi là: Sự dễ tính, ý thức trách nhiệm và ổn định về tinh thần.

Ngoài ra, Van Scheppingen và nhóm của bà đã suy đoán rằng sự tương đồng về tính cởi mở có thể có lợi cho hôn nhân. Sự cởi mở liên quan đến khả năng dễ dàng chấp nhận cái mới, điều này dẫn đến cuộc sống vợ chồng ít mâu thuẫn hơn và hạnh phúc hơn.

Phát hiện này có sự tương đồng với một nghiên cứu tại Viện nghiên cứu khoa học xã hội Leibniz ở Đức. Các nhà khoa học đã yêu cầu gần 5.000 cặp vợ chồng người Đức hoàn thành bảng câu hỏi về tính cách và theo dõi họ trong 5 năm.

Kết quả cho thấy các đôi có nhiều điểm chung về tính cởi mở sẽ chung sống lâu dài hơn so với đôi ngược lại.

Ngoài vấn đề tính cách, những đặc điểm tương đồng khác như quan điểm chính trị, nhịp điệu sinh hoạt... cũng cho thấy có tác dụng trong hôn nhân.

Ví dụ, một nghiên cứu của Đại học Warsaw (Ba Lan) cho thấy phụ nữ hạnh phúc hơn trong mối quan hệ vợ chồng khi chồng họ có cùng nhịp sinh hoạt, giống nhau về khả năng thức đêm hay dậy sớm (cùng sinh hoạt kiểu “cú đêm” hay “họa mi”).

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng cả hai giới tính đều hài lòng về tình dục hơn nếu họ có chung sở thích về thời điểm "yêu" trong ngày.

Thêm vào đó, một công trình của các nhà khoa học Mỹ thuộc Viện đại học Texas-Austin chỉ ra sự “hợp nhất về nhân cách” đem lại hạnh phúc cho nhiều cặp đôi.

Hợp nhất nhân cách là khi những cá nhân cảm nhận được nhân cách của họ được hòa hợp một cách cân bằng với vợ hay chồng. Họ cảm thấy vợ (chồng) chia sẻ nhiều điểm chung trong tính cách, do đó có xu hướng tự tin về mối quan hệ và dễ dàng giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh.

Nói chung, các nhà khoa học cho rằng sự giống nhau và khác biệt giữa các cặp đôi không phải luôn luôn quyết định mức độ hạnh phúc. Điều quan trọng là mỗi người "xoay xở" thế nào để có thể đồng hành cùng người kia, khi mà cả 2 người đã gắn bó thì việc giống hay khác nhau sẽ dễ dàng trở thành chuyện nhỏ.

Tác giả: Nguyễn Phượng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP