Kinh tế

Vietcombank: Từ “ông lớn” tốt nhất đến nỗi lo của người dùng

Danh hiệu "ngân hàng tốt nhất" của Vietcombank đang được người dùng đánh giá lại sau hàng loạt sự việc mất tiền xảy ra gần đây.


vcb ezkl
Ảnh minh họa.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trước đây, nay là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/4/1963 với tổ chức tiền thân là Cục Ngoại hối (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm cổ phần hoá, Vietcombank chính thức hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại cổ phần vào ngày 02/6/2008 sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ngày 30/6/2009, cổ phiếu của Vietcombank chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mã VCB.

Đến nay, Vietcombank đã phát triển với 96 chi nhánh và 368 phòng giao dịch trên toàn quốc, 3 công ty con tại Việt Nam, 1 văn phòng đại diện và 2 công ty con tại nước ngoài. Tại thời điểm 30/6/2016, số nhân viên của VCB là 14.930 người.

Kết quả kinh doanh của VCB hàng năm vẫn tăng trưởng đều đặn khi nhận được lòng tin của khách hàng, tiền gửi vào ngân hàng đều đặn hàng năm.

Vietcombank liên tục đạt nhiều danh hiệu và giải thưởng về chất lượng ngân hàng. Riêng trong năm 2015, Vietcombank nhận được 15 giải thưởng trong nước và quốc tế với 3 chứng nhận về thanh toán tự động, trong đó có tới 3 giải thưởng ngân hàng tốt nhất Việt Nam và 1 giải thưởng ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam.

Thế nhưng, thời thế có vẻ đã thay đổi, ngân hàng tốt nhất nay đã trở thành ngân hàng khiến không ít người dùng lo lắng nhất.

Liên tục bị “tố” lỗ hổng bảo mật

Hẳn là vậy, khi trước thời điểm tháng 7/2016, Vietcombank xuất hiện trên truyền thông chủ yếu liên quan tới những nhận định tích cực, những dự báo về triển vọng tốt của ngân hàng.

Đến đầu tháng 8, truyền thông và mạng xã hội rộ lên thông tin tiêu cực về VCB khi một khách hàng bỗng dưng bị mất 500 triệu đồng trong tài khoản chỉ sau một đêm.

Sự việc xảy ra vào đêm ngày 3/8 và rạng sáng ngày 4/8, tài khoản tại ngân hàng Vietcombank của chị H.T.Na Hương đã bị chuyển khoản 500 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng rút khỏi tài khoản qua ATM ở Malaysia và 300 triệu đồng được chuyển tiếp thông qua Internet Banking.

Số tiền 300 triệu này đã được VCB kịp thời khoanh giữ và trả lại cho khách hàng, tuy nhiên còn khoản tiền 200 triệu đã mất hiện vẫn chưa rõ có thể trở về với khách hàng hay không.

Thông cáo phát đi sau đó của VCB cho biết việc mất tiền là do “lỗi” là do khách hàng sơ suất truy cập vào trang web giả mạo, vì thế làm mất tài khoản, mật khẩu vào tay kẻ xấu. Tuy nhiên lỗ hổng bảo mật lộ ra khi số điện thoại khách hàng đăng ký nhận mã OTP lại không nhận được bất cứ tin nhắn báo xác nhận nào của ngân hàng.

Đây được xem là "điểm nổ" đầu tiên cho hàng loạt vấn đề tiếp theo mà nhiều khách hàng VCB lần lượt lên tiếng phàn nàn.

Ngày 19/8, anh V.T.P, Giám đốc một công ty về kỹ thuật tại TP.HCM, chủ thẻ Master Debit Vietcombank cho biết, sáng 16/8, vừa ngủ dậy lúc 5h51 sáng, anh nhận được một loạt tin nhắn trong điện thoại. Mở ra thì nhìn thấy 14 tin nhắn của Vietcombank thông báo về phát sinh giao dịch trong tài khoản, cụ thể là 14 giao dịch thanh toán bằng thẻ Master Debit của anh tại Nhật Bản (Japan) vào lúc 4h sáng ngày 16/8 (giờ Vietnam), thanh toán cho resort TOKYO DISNEY RESORT CHIBA JPN và một thanh toán nhỏ tại MARRIOTT HTL và BOOKHAVEN NY với tổng số tiền gần 18 triệu đồng (Tài khoản của anh P. khi đó còn khoảng hơn 18 triệu).

Những thanh toán từ số 11 trở đi không thành công khi số tiền trong tài khoản không đủ thanh toán theo yêu cầu.

Chị L.T.Q. Nga (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa), một chủ thẻ VCB cũng cho biết vào lúc 16h34 ngày 19/8, di động nhận được tin nhắn từ Vietcombank thông báo thẻ Mastercard của tôi sử dụng dịch vụ RSW ESERVICE SINGAPORE và bị trừ 592 đôla Singapore. “Lúc đó tôi đang chạy xe và thẻ vẫn ở trong ví”, chị Nga nói.

Thái độ xử lý “cành cao”?

Việc mất tiền do vấn đề bảo mật không chỉ là chuyện xảy ra riêng với Vietcombank.

Giữa tháng 5/2016, TPBank cũng từng dính vào một vụ tấn công bằng phần mềm độc hại vào hệ thống chuyển tiền SWIFT vào quý IV/2015. Mục tiêu của hacker là đánh cắp 1 triệu euro thông qua các yêu cầu chuyển tiền. Tuy nhiên sự vụ này đã được ngăn chặn thành công.

Hay mới đây, bà Trần Thị Thanh Xuân - Giám đốc Công ty Quang Huân tố nhân viên Ngân hàng VPBank cùng kế toán công ty bà cấu kết rút tiền trong tài khoản công ty, "mất hơn 26 tỷ đồng" cũng đang làm xôn xao dư luận.

Thế nhưng Vietcombank vẫn đang là ngân hàng bị “ném đá” nhiều nhất trên mạng xã hội. Vậy do đâu?

Một “thuyết âm mưu” nổi lên nhưng nhanh chóng bị dập tắt, đó là việc có hay không một bên thứ 3 cố tình đẩy uy tín của VCB xuống trong thời điểm một quỹ đầu tư của chính phủ Singapore là GIC Pte Ltd đang đàm phán để mua ít nhất 7% cổ phần của Vietcombank.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có lỗ hổng bảo mật thì những sự việc này hoàn toàn không thể xảy ra.

Phải nói đến sự việc đầu tiên liên quan đến chị H.T.Na Hương, VCB đã khá “vội vã” khi ra thông cáo đổ hết lỗi lầm lên khách hàng. Việc chứng minh bên nào có lỗi dường như cần nhiều thời gian hơn và cũng cần một cơ quan chức năng đứng ra đánh giá, kiểm tra, điều tra để có kết luận khách quan.

Đáng nói, VCB dường như đã ngay lập tức “quay lưng” với khách hàng của mình để bảo vệ uy tín cho ngân hàng mà không có thái độ quan tâm đến trường hợp của khách hàng Na Hương. Sau đó VCB ra một thông cáo khác để khẳng định “Trong trường hợp nguyên nhân được xác định không phải do lỗi của khách hàng, Vietcombank khẳng định quyền lợi của khách hàng tại Vietcombank hoàn toàn được bảo vệ”. Tuy nhiên sự việc từ đó đến nay vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin mới nào.

Đối với hai trường hợp mất tiền tiếp theo, cả hai chủ tài khoản đều phàn nàn về thái độ phục vụ không tốt của tổng đài VCB khi khách hàng gọi điện báo sự việc.

Bàn luận về thái độ của ngân hàng này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: “VCB đang vướng phải một cách hành xử theo lối mòn, kiểu ‘cả vú lấp miệng em’ hay ‘một tay che cả bầu trời’, nghĩa là theo cách một định chế tài chính lớn của đất nước buộc khách hàng phải nghe tiếng nói của mình. Tuy nhiên, cách hành xử này trong thế giới hiện đại dường như không còn phù hợp”.

Vì những lỗ hổng bảo mật và những câu khẩu hiệu “sáo rỗng” về bảo vệ quyền lợi khách hàng của VCB, có khá nhiều khách hàng VCB đã suy nghĩ đến việc có nên tiếp tục sử dụng dịch vụ của ngân hàng này nữa hay không. Và một khi khách hàng quay lưng, vị thế của “ông lớn” này liệu có còn được như trước nữa hay không, hẳn ai cũng đã có câu trả lời của riêng mình.

Tác giả bài viết: Minh Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP