Kinh tế

Việt Nam lãng phí thực phẩm chỉ sau Trung Quốc

Theo một khảo sát về tình trạng lãng phí thực phẩm được thực hiện tại 8 quốc gia thì Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc

Ngân hàng thực phẩm (Foodbank) Việt Nam ra mắt đầu năm 2018 là dự án phi lợi nhuận nhằm phòng chống lãng phí thực phẩm, hỗ trợ suất ăn cho người yếu thế trong xã hội.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bảo trợ Chữ thập đỏ Việt Nam – đại diện các đơn vị sáng lập và điều phối dự án, cho biết mô hình Foodbank đã thành lập ở các nước như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Singapore,… Foodbank được xây dựng như một kho lưu trữ thực phẩm được đóng góp từ nguồn dư thừa trong xã hội nhưng vẫn trong tình trạng tốt để sử dụng. Nguồn thực phẩm này được chuyển đến những người cần.

Heo VietGap được bán "giải cứu" tại TP HCM tháng 6-2017 - Ảnh: NGỌC ÁNH

Ông Nguyễn Tuấn Khởi đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH DSF Việt Nam, doanh nghiệp phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức chương trình "Hỗ trợ hộ chăn nuôi - Trợ giá người tiêu dùng" trong chiến dịch "giải cứu heo" hồi tháng 6-2017, cho biết chương trình này đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động mang tính thiện nguyện nhưng sản phẩm giải cứu phải đạt chất lượng để người mua hài lòng, không phải chỉ bỏ tiền mua sản phẩm không sử dụng được chỉ vì tình thương. Vì vậy, thịt heo của đợt giải cứu là heo đạt chuẩn VietGap được giết mổ và phân phối đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng giá rẻ nhờ không qua trung gian và nhân công từ các tình nguyện viên.

Theo các đơn vị tham gia giải cứu thịt heo, việc ưu tiên tiêu thụ heo hơi VietGap thể hiện định hướng khuyến khích người dân chăn nuôi theo quy trình thực hành tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Khi bắt đầu dự án Foodbank, ông Khởi và các cộng sự đã nhận thấy những khó khăn khi vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam còn phức tạp. Vì thế, các cơ quan quản lý sẽ đặt ra nghi ngờ về sự an toàn thực phẩm của dự án cũng như sự lo ngại về quá trình vận chuyển thức ăn. Ở phía người tiếp nhận, khái niệm "thực phẩm dư thừa" khiến họ e dè, mặc cảm. Vì vậy, trước mắt nguồn thực phẩm Foodbank hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn vẫn là thực phẩm bình thường.

Dự án đưa ra mục tiêu 10 năm để thay đổi nhận thức của cộng đồng để hiểu đúng về Foodbank. Đó không phải là thực phẩm thu gom từ những đĩa thức ăn thừa, nửa ổ bánh mì cắn dở mà là nguồn thực phẩm "tận dụng" hoàn toàn tốt để sử dụng. Ví dụ như nông sản có bề ngoài không bắt mắt bị các nhà bán lẻ loại ra trong quá trình kinh doanh sẽ rất lãng phí nếu bị vứt bỏ. Các thực phẩm đóng gói còn hạn sử dụng ngắn được nhà sản xuất "phòng xa" rút khỏi kệ nhưng nếu dùng ngay tình trạng vẫn tốt. Mục tiêu lớn nhất của dự án là giảm tình trạng lãng phí thực phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), 1/3 thực phẩm trên thế giới bị hư hỏng hoặc bỏ đi trong quá trình vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ, gây thiệt hạ đến 940 tỉ USD/năm.

Một khảo sát do Electrolux thực hiện trên quy mô 4.000 hộ gia đình tại 8 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm, chỉ xếp sau Trung Quốc. Nghịch lý là trong khi thực phẩm bị vứt bỏ thì còn rất nhiều người bị thiếu ăn, dự án góp phần phân phối hợp lý thực phẩm, tránh lãng phí xã hội. Vì vậy, Foodbank Việt Nam ra đời có ý nghĩa rất lớn trong việc tránh lãng phí nguồn thực phẩm trong nước, qua đó hỗ trợ cho những người yếu thế.

Tác giả: NGỌC ÁNH

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP