Tin địa phương

Vì sao nợ thuế ở Cần Thơ rất cao?

Tổng số tiền thuế nợ tại Cần Thơ tính đến cuối năm 2022 là 2.943 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu là 745 tỷ đồng; nợ có khả năng thu là 2.198 tỷ đồng (chiếm hơn 19% trên tổng thu ngân sách năm 2022).

Theo Cục Thuế TP Cần Thơ, năm 2022, Cục Thuế TP được Bộ Tài chính, HĐND giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 10.617 tỷ đồng, bằng 98,7% so với dự toán năm 2021, tăng 10% so với thực thu năm 2021.

Kết quả, tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 11.272 tỷ đồng, đạt hơn 106% dự toán Bộ Tài chính và dự toán HĐND, bằng 117,81% so cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, về tình hình nợ thuế, đến cuối năm 2022 vẫn còn cao. Tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối năm 2022 là 2.943 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu là 745 tỷ đồng; nợ có khả năng thu là 2.198 tỷ đồng (chiếm hơn 19% trên tổng thu ngân sách năm 2022).

Theo ông Cáp Quý Phúc - Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, mặc dù Cục đã quyết liệt thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế, nhưng số nợ thuế đến cuối năm 2022 còn rất cao so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, số nợ của các năm trước chuyển sang vẫn còn cao chưa xử lý dứt điểm.

Các đơn vị nợ thuế lớn và có tuổi nợ kéo dài qua nhiều năm thuộc trường hợp khó khăn trong thu hồi nợ, nhất là những doanh nghiệp (DN) còn nợ tiền thuê đất, tiền thuế truy thu phạt qua thanh tra, kiểm tra. Số tiền nợ này dẫn đến phát sinh tiền chậm nộp tăng nhưng khả năng nộp thuế nợ, tiền chậm nộp rất thấp là một trong những nguyên nhân làm nợ thuế cao.

Bên cạnh đó, một số trường hợp phát sinh nợ tiền thuê đất lớn, DN kinh doanh xăng dầu phát sinh và điều chỉnh tăng số thuế phải nộp của năm trước… nhiều DN gặp khó khăn về tài chính chưa kịp thời nộp thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước làm phát sinh nợ mới.

Công tác cưỡng chế thu hồi nợ cũng gặp nhiều khó khăn như trên tài khoản của DN liên tục không có số dư. Việc cưỡng chế hóa đơn là một trong những biện pháp thu hồi nợ có hiệu quả vì để được xuất hóa đơn thì DN phải nộp thuế thuế ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng. Tuy nhiên, có nhiều DN hầu như không hoạt động kinh doanh hoặc đang hoạt động nhưng có số nộp nợ thấp.

Việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiếp theo như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ gặp khó khăn, khó thực hiện được vì đối tượng cưỡng chế thường không còn tài sản, hay tài sản đã thế chấp…

Trong năm 2022, Cục Thuế TP Cần Thơ ban hành 391.866 lượt thông báo nợ thuế, tương ứng với tổng số tiền nợ thuế hơn 8.238 tỷ đồng; thực hiện đăng công khai thông tin 2.237 lượt các DN nợ thuế với tổng số tiền tương ứng hơn 17.457 tỷ đồng. Trong năm, Cục Thuế TP đã ban hành 349 quyết định cưỡng chế nợ thuế đối với 287 người nợ thuế, với số tiền thuế nợ đã áp dụng biện pháp cưỡng chế là 1.762 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện nay, tính riêng một số DN lớn còn nợ khoảng 1.500 tỷ đồng. Ông Hồng đề nghị Cục Thuế TP và các Chi cục Thuế các quận, huyện mời các DN có số nợ thuế cao đến làm việc. Nếu các DN vẫn chây lỳ không trả nợ thuế thì các sở, ngành và sau đó là UBND TP sẽ làm việc với các DN này...

Tác giả: Cảnh Kỳ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP