"Con phải cố lên, đời này bố mẹ cậy nhờ hết ở con". Đây là câu nhiều bố mẹ nói với con từ nhỏ. Vấn đề là, sự "dựa dẫm" này là quá rủi ro, đặc biệt khi thế hệ trẻ đang phải đứng trước quá nhiều cạnh tranh như hiện nay.
Năm 2016, Đại học Harvard công bố kết quả một nghiên cứu kéo dài 30 năm với 107 người Mỹ ở nhiều tầng lớp xã hội, từ lao động, tới thượng lưu. Theo đó, ảnh hưởng vị thế của cha mẹ tới thế hệ sau vượt xa những gì chúng ta tưởng. Ảnh hưởng này đến từ nhiều yếu tố, không chỉ về tiền bạc mà còn bao gồm độ bền vững của hôn nhân, khả năng cảm thông, mạng lưới xã hội và hiểu biết của cha mẹ.
Năm 1948, một phụ nữ Giang Tô tên Wang Shuzhen cùng chồng đưa 13 con tới Đài Loan. Bà Wang vốn là tiểu thư con nhà trí thức, được học chơi nhạc cụ, đánh cờ, viết thư pháp từ nhỏ. Chồng bà cũng là một doanh nhân giàu có. Không may, năm sau đó, người chồng khi trở về quê nhà lo việc làm ăn đã gặp nạn qua đời.
Cái chết đột ngột của người chồng khiến gia đình chao đảo. Người mẹ vốn không phải đụng tới việc gì giờ phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Để bớt gánh nặng, bà có thể cho con nghỉ học. Nhưng bà không chọn cách đó mà động viên các con nỗ lực học tập. Ngay cả lúc tài chính cạn kiệt, gia đình phải chuyển về ngoại ô, bà vẫn kiên định để các con tiếp tục đến trường, dù phải đi bộ vài kilomet.
Cuối cùng, 13 con của bà đều trở thành tiến sĩ ở nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, kinh doanh, nghệ thuật, công nghệ, luật, tài chính... Ba trong số đó còn đoạt giải "Mười gương mặt trẻ tiêu biểu nhất tại Mỹ". Theo Womenofchina, bà được cựu tổng thống Mỹ Bush viết thư khen ngợi là "người mẹ vĩ đại" và tổng thống Clinton mừng sinh nhật lần thứ 100.
Bà Wang Shuzhen và con trai Li Changyu - một nhà khoa học pháp y, thám tử lừng danh, được ví với Sherlock Holmes đời thực. Ảnh: Visiontimes. |
Vậy có phải khi càng lâm vào khó khăn, con người càng dễ vươn lên thành công? Không hẳn.
Nếu nói về nghèo khó, có nhiều người ở Đài Loan còn nghèo hơn gia đình Wang Shuzhen. Nhưng có bao nhiêu nhà nghèo chọn bằng mọi giá cho con đi học thay vì nghỉ kiếm tiền phụ gia đình như bà?
Vào ngày 22/8/2017, một nam thanh niên 23 tuổi ở Thâm Quyến (Quảng Đông) đã tự tử vì muốn đi học nhưng không được bố mẹ đồng ý. Chuyện là, vì nhà nghèo, chàng trai này phải bỏ học từ cấp 2 để đi làm. Sau đó, khi kinh tế gia đình khá hơn, anh muốn đi học lại vì nhận ra sống ở thành phố cạnh tranh này, không có kiến thức thì khó ngóc đầu lên được. Thế nhưng cha mẹ anh phản đối. Cảm giác bất lực và phải mang gánh nặng quá lớn khiến anh tìm tới cái chết.
Chúng ta nghĩ rằng khi khó khăn, người ta sẽ có động lực để cố gắng vươn lên, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Khó khăn đôi khi là sự bít lại các cơ hội. Tầm nhìn, hiểu biết, giá trị và quan niệm về cuộc sống của cha mẹ và các thành viên gia đình có ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ trẻ.
Nhiều người thường chỉ thấy các gia đình giàu thì có tiền bạc để lại cho con cái mà không hề biết rằng họ còn truyền cho thế hệ sau nhiều thứ khác như sự hiểu biết, trải nghiệm, niềm tin, văn hóa...
Gia đình ảnh hưởng tới đường đời của người trẻ thế nào?
Trong nghiên cứu 30 năm, các giáo sư Đại học Harvard đã phân tích ảnh hưởng của gia đình tới cuộc đời trẻ ở các khía cạnh là trình độ giáo dục của cha mẹ, tình trạng hôn nhân, khu vực sinh sống...
Một kết quả đáng chú ý là điều kiện gia đình ảnh hưởng lớn tới khả năng tốt nghiệp đại học của một người. Nếu bạn lớn lên trong gia đình thu nhập cực thấp, thì dù bạn có đạt điểm tốt khi học cấp 2, cơ hội bạn tốt nghiệp đại học ít hơn hẳn so với những ai điểm thấp nhưng sống trong gia đình thu nhập cao. Ngoài ra, bố mẹ càng có trình độ giáo dục cao thì sẽ càng khích lệ con cái học cao hơn.
Mối quan hệ xã hội của bố mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trên con đường phát triển của con. Phụ huynh có mạng lưới quan hệ xã hội tốt, nghĩa là luôn có những người bạn có khả năng giúp đỡ con cái mình bất cứ khi nào trẻ cần tìm việc, chuẩn bị hồ sơ đi học hay lúc bị bệnh tật, đau yếu.
Người trẻ ở những gia đình bình dân thường không thiếu nỗ lực, sự chăm chỉ. Cái họ thiếu là khả năng nhìn thấy hướng đi. Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình và các nguồn lực bên ngoài, trong những giai đoạn khó khăn, họ dễ bối rối, khó vượt qua. Đó là do sự thiếu định hướng cuộc đời.
Điều kiện kinh tế cũng tác động rất lớn tới cách giáo dục con của cha mẹ. Chẳng hạn, cha mẹ ở các gia đình tầng lớp cao có thể đọc được các lý thuyết và phương pháp dạy con mới, từ đó, trẻ cũng dễ tiếp cận trước với những bài học phát triển trí thông minh, khả năng giao tiếp... so với bạn bè ở các gia đình khó khăn. Sự bất bình đẳng từ đầu đời sẽ tăng dần theo thời gian.
Ngay cả các thống kê về lượng sách bán ra cũng nói lên nhiều điều. Một trang thương mại điện tử cho biết, lượng sách bán ở Bắc Kinh và Thượng Hải chiếm 60% lượng bán ra cả nước.
Cha mẹ có trình độ giáo dục cao có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều phương pháp mới trong việc giáo dục trẻ. Ảnh: The Conversation. |
Đây là lý do tại sao nhiều gia đình bần cùng loay hoay khó thoát khỏi đáy xã hội, trong khi các gia tộc khá giả có thể thịnh vượng hàng trăm năm. Tương tự, sau kỳ thi đại học ở Trung Quốc, các con số thống kê đều cho thấy, những người đỗ hầu hết là con các gia đình khá giả.
Thực tế, nhiều người vẫn giữ ảo tưởng "đọc nhiều chắc gì đã hơn". Họ luôn đưa ra các ví dụ về việc nhiều người không có nền tảng giáo dục và gia đình tốt trong những năm đầu đời và chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân để vươn lên tầng lớp cao hơn trong xã hội. Nhưng điều đó xảy ra không nhiều, đa số là khi "gặp thời" hay cộng một số yếu tố khác.
Dữ liệu gần đây của Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), số sinh viên nông thôn tại các đại học lớn ở Trung Quốc đã giảm từ những năm 1990. Tỉ lệ sinh viên nông thôn tại Đại học Bắc Kinh đã giảm từ 30% xuống 10% và sinh viên nông thôn ở Đại học Thanh Hoa năm 2010 chỉ chiếm 17%.
Có thể thấy, nhiều bố mẹ luôn hy vọng vào thế hệ sau, mà không hiểu rằng: Trong gia đình, chính bố mẹ mới là người đầu tiên cần nỗ lực, dù là để đạt tầm cao mới về vật chất hay tri thức... Họ quên rằng, khả năng vươn lên trong xã hội giống như một cuộc đua tiếp sức gia đình, và mỗi thế hệ đều phải nỗ lực hết mình, không thể chỉ trông chờ vào thế hệ sau.
Mẹ của Bill Gates từng là doanh nhân và có mối liên quan mật thiết với ban giám đốc công ty máy tính IBM. Năm 1968, khi nhiều trường cao đẳng và đại học Mỹ còn chưa có máy tính, trường tư Bill Gates học đã có máy tính PDP-10 cho ông và các bạn học lập trình cơ bản.
Cha Buffett là một thành viên của quốc hội. Khi 8 tuổi, Buffett đã tới sở giao dịch chứng khoán New York. Bố ông là giám đốc của một ngân hàng đầu tư đa quốc gia thu hút sinh viên các trường hàng đầu thế giới.
Ngay cả các tên tuổi lớn của ngành công nghệ Trung Quốc hầu hết cũng đều xuất thân từ các gia đình có điều kiện tốt nhất.
Nhìn vào thực tế trên không phải để hoảng hốt: "Vậy 'cái khó cứ bó cái khôn' mãi sao" và lo lắng rằng thế hệ sau sẽ thua ngay từ vạch xuất phát nếu bố mẹ ở vị trí thấp. Thay vào đó, chính bố mẹ cần không ngừng nỗ lực và đừng đặt hết kỳ vọng vào thế hệ sau hay phàn nàn rằng thế hệ trước đã không để lại bước đệm cho mình. Chính mình hãy trở thành điểm tựa tốt hơn cho con cháu sau này.
Tác giả: Bảo Ngọc
Nguồn tin: Báo VnExpress