Trong nước

Vì sao các tỉnh Tây Bắc thiệt hại nặng do mưa lũ?

Thời tiết bất thường, công tác dự báo hạn chế và sự chủ quan của người dân được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại trong mưa lũ.

Theo Tổng cục khí tượng thuỷ văn, từ đêm 23 đến ngày 25/6 trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, khu vực mưa to nhất tập trung ở các tỉnh vùng núi biên giới từ Cao Bằng đến Lai Châu.

Đợt mưa này được đánh giá là bất bình thường vì mưa lớn hàng năm thường diễn ra vào cuối tháng 7 đầu tháng 8.

Mưa đặc biệt lớn tập trung ở một số khu vực gây ra lũ quét và sạt lở. Ảnh: Ngọc Thành.

Mưa lớn làm thượng lưu sông Đà xuất hiện lũ lịch sử đến hồ Lai Châu và hồ Bản Chát (thuỷ điện Lai Châu đã phải xả lũ); thượng lưu sông Lô và sông Thao tại Yên Bái xuất hiện lũ lớn xấp xỉ mức báo động 3 tại Hà Giang (sông Lô) và xấp xỉ báo động 2 tại Yên Bái (sông Thao).

Tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở diễn ra tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ (Lai Châu), Sa Pa (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang).

Bộ trưởng Nông nghiệp, Trưởng ban chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho hay, thiên tai quá khắc nghiệt đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Tính đến sáng 28/6, đợt mưa lũ tại các tỉnh Tây Bắc đã làm 22 người chết (Hà Giang 5 người; Lai Châu 16 người; Lào Cai 1 người); 10 người mất tích và 16 người bị thương.

Mưa lũ cũng làm 160 nhà bị đổ, cuốn trôi, gần 1.000 nhà bị hư hại, trên 1.800 căn nhà bị ngập nước; khoảng 1.600 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, hàng chục nghìn gia súc bị chết, nhiều ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, nhiều quốc lộ bị hư hỏng gây ùn tắc...

Tổng thiệt hại của đợt mưa lũ vừa qua ước tính gần 460 tỷ đồng.

Bộ trưởng Cường cho biết, trước đợt mưa lũ các cơ quan chức năng đã có dự báo, cảnh báo nguy cơ mưa to và vùng sạt lở. Ngay khi mưa lũ xảy ra, Trung ương đã cử các đoàn công tác lên vùng thiệt hại chỉ đạo, phối hợp khắc phục hậu quả và đưa ra các biện pháp phòng ngừa.

Trực tiếp đi tới những vùng thiệt hại, ông Cường kể, sau khi mưa cơ bản dứt, đoàn công tác của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng tỉnh đã yêu cầu di dời khẩn cấp toàn bộ 28 hộ dân với 150 khẩu ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) do khu vực đó có nguy cơ sạt lở. Đúng một ngày sau khi các hộ dân được di dời, toàn bộ vùng đó bị sạt lở, đất đá san bằng tất cả.

Cần sắp xếp lại dân cư

Vừa trở về từ tỉnh Lai Châu, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ, Tổng cục trưởng phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay, Lai Châu có địa hình dốc, núi cấu tạo chủ yếu từ đất nên khi mưa lớn dễ xảy ra lũ, sạt lở.

Ông nói, thực tế hiện trường cho thấy không chỉ sạt lở ở những vùng có người dân sinh sống, canh tác mà cả những khu vực rừng nguyên sinh.

Nhà chức trách cho hay cần sắp xếp lại dân cư, di dời người dân ra khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Ảnh: Ngọc Thành.

Về nguyên nhân gây ra thiệt hại nặng nề, người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai nhận định "mưa trái mùa trên diện rộng, tần suất lớn và kéo dài gây ra lũ quét, sạt lở đất ở phạm vi rộng, đặc biệt ở một số khu vực của Lai Châu".

Bên cạnh đó, ông Hoài cho rằng công tác dự báo, cảnh báo còn rất hạn chế. Theo ông, việc khó dự báo cũng có nguyên nhân do mưa trái mùa ở trên phạm vi rất rộng. Nhưng cơ quan khí tượng cũng cần dự báo chính xác hơn.

Lâu nay các tỉnh đều có kế hoạch sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại dân cư là vấn đề lâu dài, đòi hỏi nguồn lực lớn.

"Trước mắt cần tuyên truyền nâng cao kỹ năng ứng phó cho người dân, ứng dụng khoa học vào công tác cảnh báo như lắp đặt thiết bị cảnh báo sớm tại những vùng có nguy cơ hoặc thường xuyên có sạt lở, lũ quét; xây dựng các công trình phòng chống lũ", ông Hoài nói.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính, hàng năm tỉnh đều có kế hoạch phòng chống lũ quét, sạt lở trên toàn tỉnh và lãnh đạo các địa phương phải có trách nhiệm phổ biến, cảnh báo người dân trên địa bàn để hạn chế tối đa thảm họa thiên tai.

Tuy nhiên, ông cho hay, do đặc thù địa hình, người dân thường canh tác thâm canh theo mùa ở những vùng sâu nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Tập quán của nhiều người dân địa phương là sống bám theo dòng suối để canh tác ruộng đất và thường chủ quan khi có mưa lũ.

"Tỉnh đã có phương án cụ thể để di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Hiện đã có khoảng 300 hộ dân được di dời. Một số khu vực phải dùng biện pháp cưỡng chế vì người dân không muốn bỏ lại nhà cửa đi nơi khác", ông Tính nói.

Đánh giá khả năng gây ngập lụt của nhà máy thuỷ điện

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho hay, bên cạnh công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn đánh giá nguyên nhân gây ngập úng cục bộ tại thành phố Hà Giang và một số tuyến đường quốc lộ có sông, suối, báo cáo giải pháp xử lý.

Tỉnh Hà Giang đã đề nghị cơ quan chức năng làm rõ có hay không sự liên quan của các nhà máy thuỷ điện đến sự cố lũ lụt vừa qua. Ảnh: Huyền Anh.

Tỉnh cũng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và Bộ Công Thương sớm đánh giá ảnh hưởng, khả năng gây ngập lụt của các nhà máy thủy điện trên các Sông Lô, Miện đối với thành phố Hà Giang và các vùng phụ cận để sớm có các giải pháp giảm thiểu thiệt hại.

Thống kê của cơ quan khí tượng, lượng mưa trong 3 ngày (từ 23 - 26/6) tại khu vực miền núi phía Bắc phổ biến từ 100 - 150 mm.

Một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Nậm Giàng (Lai Châu): 501 mm; Mường Tè (Lai Châu) 322 mm; Sìn Hồ (Lai Châu) 342 mm; Nà Hừ (Lai Châu) 382 mm; Mường Lay (Điện Biên) 214 mm; Hà Giang (Hà Giang) 312 mm; Bắc Qua (Hà Giang) 366 mm; Ngân Sơn (Bắc Kạn) 225 mm.

Tác giả: Võ Hải - Phạm Dự

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP