Bạn cần biết

Vì sao bệnh dại bùng phát khiến 21 người tử vong trong hơn 2 tháng đầu năm?

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số tỉnh, thành phố trong cả nước liên tiếp bùng phát ổ dịch chó dại.

Tại tỉnh Đồng Nai, ngày 9/3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận 4 ổ dịch chó dại. Cơ quan chức năng tỉnh này ghi nhận 2 ổ dịch ở huyện Trảng Bom, 1 ở huyện Định Quán và 1 tại huyện Nhơn Trạch. Tổng cộng gần 10 người bị chó dại cắn.

Tại tỉnh Bến Tre, từ đầu năm 2024, địa phương này phát hiện một ổ dịch bệnh dại và đã có một người tử vong.

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, đã xảy ra 4 ổ bệnh dại trên động vật, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm…

Bày tỏ quan điểm về việc này, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, nguyên nhân cốt lõi, số một là do các địa phương chưa quản lý được đàn chó, công tác tiêm phòng dại còn "chưa đến nơi, đến chốn". Cả nước trung bình mới tiêm phòng dại đạt 53% trên tổng đàn chó.

Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó mèo ở các địa phương đạt rất thấp

Nhiều tỉnh mới chỉ tiêm phòng dại trên đàn chó dưới 10% như: Quảng Bình, Hậu Giang, Bình Định, Quảng Nam.

Các tỉnh có số người tử vong do chó dại cắn nhiều nhất từ 2023 đến nay là: Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, nguyên nhân xuất hiện các ổ dịch chó dại trong thời gian vừa qua là do các địa phương chưa quản lý chặt chẽ đàn chó và tỷ lệ tiêm phòng chó dại còn thấp.

"Với tình hình quản lý, tiêm phòng chó dại như hiện nay, trong khi đó mầm bệnh dại còn lưu hành rất nhiều đã dẫn đến bùng phát các ổ dịch chó dại trong thời gian qua", ông Long nói.

Ông Long cho biết, năm 2023 có 82 trường hợp tử vong do chó dại cắn, tăng 12 trường hợp so với 2022. Từ đầu năm 2024 đến nay, 21 người chết do bệnh dại.

Để ngăn chặn các ổ dịch chó dại bùng phát, Cục trưởng Cục Thú y cho hay, Cục đã trình Bộ NN&PTNT ban hành Công điện chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bên cạnh đó, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành Chỉ thị về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Trong đó, quy trách nhiệm cho người đứng đầu của UBND các cấp.

Đặc biệt, tổ chức kiểm điểm các địa phương không tổ chức quản lý chặt và tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó có thấp hoặc các địa phương để nhiều người tử vong do bệnh dại.

Ông Long cũng cho hay, cần thông tin tuyên truyền sâu rộng đến người dân về công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó. Đặc biệt, phải "lên án" các đối tượng nuôi chó nhưng "cố tình" không quản lý, thả rông, dẫn tới việc chó cắn người và gây bệnh dại, tử vong.

"Nhà nước không cấm nuôi chó, mèo nhưng khi nuôi người dân phải có trách nhiệm với bản thân, người thân trong gia đình và xã hội", ông Long nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm, căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021; phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030.

Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 đặt mục tiêu cụ thể đối với phòng, chống bệnh dại ở động vật: quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025, trên 90% trong giai đoạn 2026-2030; tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030…

Đối với phòng, chống bệnh dại ở người: đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017-2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Tác giả: Tuyết Nhung

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP