Du lịch sinh thái cộng đồng
Hơn 2 năm, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng do Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ cho 20 hộ dân mở điểm du lịch, nuôi trồng thủy hải sản phục vụ du lịch thành làng du lịch Cồn Mũi, Lạch Vàm. Ông Võ Công Trường, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết, du khách đến nhiều hơn, ở lâu hơn và bà con thu nhập ổn định hơn.
Bắt cá ngát ở bãi bồi Mũi Cà Mau. |
Những chiếc vỏ lãi chạy bằng đầu máy xe hơi, ca-nô cao tốc từ thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) vượt trên sông Cái Lớn, xuôi về Mũi Cà Mau trong rừng đước bạt ngàn, xanh ngắt, mát dịu. Con rạch Bào Nhỏ rợp bóng rừng đước ăn thông ấp Cồn Mũi, Lạch Vàm, xã Đất Mũi là điểm đến du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Điểm du lịch của gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần, ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) khá đông khách. Nhóm người đang thưởng thức các món ăn, nhóm du khách khác vừa cặp bến.
Qua mấy câu giao tiếp, con trai của ông Tư Nhuần là Nguyễn Văn Đương giới thiệu các loại thủy sản tươi sống đang có sẵn và giá cả tham khảo. “Cua biển Cà Mau nổi tiếng thì cua ở đây là chính hiệu, vừa chắc thịt, vừa thơm. Cá ngát tươi sống, mới bắt ở bãi bồi ven biển, có thể nấu canh chua. Rồi ốc len xào dừa, cá thòi lòi nướng sả ớt. Đặc biệt, những năm gần đây, trên biển có loại thủy sản 2 mảnh vỏ mềm, thịt rất thơm, ăn giòn bằng cách nướng mỡ hành hoặc luộc gừng…”
Khi con trai giới thiệu đặc sản, nhận đặt món ăn với khách vừa đến, trong nhà bếp bài trí kiểu ở quê sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, bà Lương Thị Phượng - vợ ông Tư Nhuần cùng với 2 cô con gái là Nguyễn Kiển Châu, Nguyễn Trúc Hiếu nổi lửa để chế biến các món ngon “đặc trưng” từ những “đặc sản” rừng, biển Mũi Cà Mau.
Bà Lương Thị Phượng xởi lởi: “Vợ chồng tui mới làm du lịch, chưa có kinh nghiệm gì. Con gái còn trẻ, có chút đỉnh chữ nghĩa, ghi chép cách nấu ăn do Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tập huấn nhưng chỉ học lý thuyết. Nấu ăn thực tế cho khách thì lấy kinh nghiệm nấu món thông thường ở quê. Ai có biết, có đi đây đi đó, chỉ giùm rồi làm theo. Nhờ vậy mà nhiều đoàn khách như Dược Hậu Giang tháng nào cũng đưa khách đến đây. Rồi đoàn này đi về, chỉ đoàn khác đến”.
Những ai muốn tìm hiểu, học cách nấu các món không thể bỏ qua ở Mũi Cà Mau thì hãy vào bếp với mẹ con bà Lương Thị Phượng. Các món ăn lạ như cá thòi lòi nấu mẻ, cá ngát canh chua trái giác… theo cách nấu của bà con Đất Mũi thì hãy xắn tay áo lên, cùng làm, cùng thưởng thức.
Tôi có đôi lần đến các điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở Mũi Cà Mau nhưng cứ mỗi lần đi rồi lại muốn trở lại. Và lần nào đến cũng thấy khác lạ, mở rộng hơn, hấp dẫn hơn. Điều đọng lại trong lòng là quan hệ giao tiếp không có ranh giới chủ - khách. Lòng người ấm lại như chuyến đi xa quê mới trở về thăm gia đình, bà con ở quê, với tình cảm dễ mến người dân Đất Mũi.
Trời về trưa, hai ngôi nhà sàn bằng gỗ đước, lợp lá dừa nước, xây cất trên ao nuôi tôm dưới tán rừng khá rộng, thoáng mát, có khả năng chứa vài trăm khách, đang có vài chục khách ngồi ăn. Việc nấu nướng, chạy bàn, hướng dẫn khách dã ngoại đều do vợ con ông Tư Nhuần làm. Bà Lương Thị Phượng nói: “Công việc quen rồi thành nhanh lẹ. Sáng sớm, các con tập trung lại, làm cho tới trưa là xong, đứa nào về nhà nấy. Các con tôi có gia đình riêng, cũng có vuông nuôi tôm gần đây, tranh thủ làm nên không phải thuê mướn người khác”.
Khám phá Mũi Cà Mau
Hiện nay, từ thành phố Cà Mau đi Đất Mũi gần 120 km bằng một nửa đường bộ, một nửa đường thủy. Đến cuối năm 2015, xe cộ bon bon thẳng về Mũi Cà Mau theo tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên qua rừng, về tận Đất Mũi. Đứng trên đài quan sát mà các hướng dẫn viên du lịch gọi là vọng hải đài cao hơn 20m, phát tầm mắt về Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đậm nét đơn sơ, hiền hòa, bạt ngàn rừng trải dài ra bãi bồi dường như vô tận khi thủy triều xuống.
Sau khi dừng chân, dùng bữa trưa tại các điểm du lịch sinh thái Mũi Cà Mau, các bác tài công lượn một vòng trên sông rạch trong rừng đước, bãi bồi ven biển Mũi Cà Mau. Vùng “đất biết đi” nối dài hình dạng Tổ quốc hình chữ S được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới.
Ông Võ Công Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) cho biết, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có cộng đồng dân cư sinh sống. “Mục tiêu đặt ra cho Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở các giải pháp khoa học, kinh tế và xã hội. Vườn quốc gia phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, kinh tế ven biển theo hướng “cộng đồng quản lý”.
Hiện nay, Khu du lịch Mũi Cà Mau có Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau, biểu tượng Mũi Cà Mau với con tàu vươn xa khơi, cột mốc tọa độ GPS0001- Mũi Cà Mau hấp dẫn bất cứ ai một lần đặt chân đến đều muốn ghi lại hình ảnh kỷ niệm. Vọng hải đài ở chiều cao hơn 20 m, khách có tầm nhìn bao quát Mũi Cà Mau và phóng tầm mắt bốn bề rừng bạt ngàn.
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Nguyễn Văn Nhuần. |
Chị Nguyễn Như Ý, chuyên viên Phòng Du lịch sinh thái - Giáo dục môi trường Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nói: “Hầu hết du khách, nhất là các đoàn khách quốc tế, đều hào hứng khi được khám phá vẻ đẹp tự nhiên và môi trường sinh thái rừng, biển. Đặc biệt, khi đến đây du khách sẽ được ghé thăm các hộ dân và thỏa sức trải nghiệm với các loại hình du lịch đặc sắc như: câu cua, giăng lưới bắt cá, mò sò, xổ tôm…, tham gia nấu ăn và sinh hoạt cùng người dân”.
Nhà không cửa
Về Đất Mũi, được ngủ qua đêm theo hình thức homestay, mới cảm nhận tính phóng khoáng, mến khách người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Đá (Tám Đá) - ở ấp Mũi kể: “Từ bao đời nay, dân Đất Mũi ở nhà không cửa, vừa tiện lợi, vừa gần gũi, bởi nơi đây không bao giờ có trộm cắp”.
Ông Nguyễn Văn Chính, từ Bắc vào Đất Mũi dạy học, nay mở điểm du lịch sinh thái cộng đồng ấp Lạch Vàm, có vẻ hối tiếc: “Nhà không cửa ở Đất Mũi mất dần gần hết, nhờ các điểm du lịch sinh thái cộng đồng cho qua đêm với nhà không cửa giống như xưa. Mươi năm về trước, tôi đi dạy học, thích thú nhà không cửa, cả xã Đất Mũi không ai khóa để làm gì!”.
Theo qui định của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khách nghỉ qua đêm, chủ cơ sở du lịch cộng đồng được phép thu 70.000đồng/đêm/người. Bà Lương Thị Phượng nói: “Chúng tôi chỉ thu tiền theo quy định để lo mùng chiếu sạch sẽ, chỗ nơi thoáng mát. Khách đi câu cá, thả lưới, đặt lú, soi ba khía... bắt được cá tôm chế biến thưởng thức, không mất tiền”.
Món ngon ở Mũi Cà Mau. |
Hai ngôi nhà sàn của điểm du lịch ông Nguyễn Văn Nhuần dành chỗ ăn uống ban ngày cũng chính là chỗ ngủ qua đêm có mắc mùng chống “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”. Du khách trải nghiệm homestay ở Đất Mũi mới hiểu được phần nào Đất Mũi “nhà không cửa”.
Những hộ dân tham gia làm điểm du lịch sinh thái cộng đồng và nuôi trồng thủy sản phục vụ đều có 5-9 ha rừng - tôm. Một phần nhỏ dành nuôi thủy sản thâm canh để chủ động phục vụ khách “săn bắt, hái lượm” còn lại nuôi quảng canh tự nhiên đã tồn tại từ bao đời, dựa vào thiên nhiên.
Chiều về, tắt nắng, những cánh cò trắng và cồng cộc đậu kín cây mắm, cây đước trước nhà ông Trần Văn Hướng gợi cảnh thanh bình “đất lành chim đậu”.
Sau bữa cơm canh chua cá ngát, thòi lòi kho tiêu, ba khía muối… đặc trưng dân dã, các con ông Tư Nhuần hướng dẫn đi giở rập cua, thăm lú bắt tôm, giăng lưới cá và lội vô rừng soi ba khía.
Đêm dần khuya, nước lớn, kinh rạch đầy nước, mang theo gió mát. Tiếng đàn ca tài tử ngân vang giữa rừng đước. Ông Tư Nhuần nói: “Có khách nghỉ qua đêm, nên tổ chức đờn ca tài tử chỗ cơ sở ông Nguyễn Văn Chính. Ông ấy có mấy đứa em vợ đờn hay, hát giỏi, khách mê lắm”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hưng