Giáo dục

Trúng tuyển đại học nhưng không nhập học: Chuyện không còn lạ

Trước đây, việc trúng tuyển đại học nhưng không nhập học được coi là chuyện lạ thì nay, đó là chuyện rất bình thường. Năm 2023, có hơn 117.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 từ chối nhập học. Các chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề không mới, không lạ, không có gì đặc biệt.

Hầu hết thí sinh đăng ký xét tuyển đều trúng tuyển

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào ngày 28-29/6 với hơn 1 triệu thí sinh tham gia dự thi. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Hà Nội (Ảnh: HANU)

Đúng 8 giờ ngày 18/7, Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023. Sau khi biết rõ điểm thi của mình, cộng việc tìm hiểu kỹ điểm chuẩn vào trường/ngành mình mong muốn vài năm trở lại đây cùng nhiều nguồn tư vấn, thí sinh bắt đầu nghiên cứu, lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng.

Kết thúc thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống, Bộ GD&ĐT kiểm đếm có trên 660.200 thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học trực tuyến. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên Hệ thống là 612.283, đạt tỷ lệ 92,7% (10 thí sinh ĐKXT thì có 9,27 thí sinh trúng tuyển).

Bộ GD&ĐT cũng cho hay: Trong số trúng tuyển nêu trên có 49,1% thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1; số thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9%; số thí sinh trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên là 85,1%. Trung bình mỗi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,74 nguyện vọng.

Tính đến 17 giờ ngày 8/9, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trên Hệ thống 494.488 em. So với số thí sinh trúng tuyển đợt 1, tỷ lệ xác nhận nhập học trực tuyến chiếm 80,8%. Như vậy, có 19,2% thí sinh trúng tuyển đợt 1 (trên 117.000 em) không xác nhận nhập học, từ chối quyền trúng tuyển của mình.

So với năm 2022, số lượng thí sinh từ chối nhập học năm 2023 không có gì bất thường hay đột biến. Cụ thể: Cùng có trên 1 triệu thí sinh đăng ký tốt nghiệp THPT nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học năm 2022 còn thấp hơn (chỉ khoảng 620.500 em). Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 năm 2022 là xấp xỉ 567.500 em (chiếm 91,4% so với số thí sinh ĐKXT); trong khi đó, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 là trên 463.000 em (81,6% số trúng tuyển).

Nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề tăng học phí

Các chuyên gia cho rằng, số thí sinh không nhập học năm 2023 cũng tương đương năm 2022 và các nguyên nhân cũng có sự tương đồng.

Lý do đầu tiên có thể kể, đó là thí sinh trúng tuyển đại học nhưng quyết định học bậc cao đẳng do thời gian học ngắn hơn, tiếp cận việc làm sớm hơn, học phí vừa phải. Một số chọn đi du học vì hiện nay việc đi du học không còn gặp những trở ngại về dịch bệnh, các quốc gia cũng áp dụng rất nhiều chính sách thu hút du học sinh.

Tân sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (Ảnh: HAU)

Có không ít trường hợp trúng tuyển nhưng quyết định đi làm vì điều kiện gia đình khó khăn hoặc đi xuất khẩu lao động bởi sẽ kiếm được khoản tiền lớn chỉ sau quãng thời gian ngắn.

Theo dự đoán của ông Đỗ Văn Dũng, Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh số thí sinh không xác nhận nhập học đa phần rơi vào diện trúng tuyển nhưng ở các nguyện vọng dự phòng nên các em không hứng thú đi học.

Trong số thí sinh trúng tuyển đợt 1 bằng điểm thi tốt nghiệp, có không ít thí sinh đã có cơ hội trúng tuyển theo phương thức xét học bạ ở một trường khác.

Cũng có thể kể một thực tế là vẫn có thí sinh khá chủ quan trong việc đăng ký nguyện vọng. Nhiều trường hợp dù trúng tuyển nguyện vọng đặt ưu tiên hơn nhưng đó cũng không phải thực sự là nơi em muốn học nên các em kiến quyết không nhập học mà chờ xét tuyển đợt 2. Số thí sinh trúng tuyển song không biết phải xác nhận nhập học trên hệ thống nên bỏ lỡ cơ hội cũng không quá hiếm.

Giữa nhiều nguyên nhân trên, có một nguyên nhân quan trọng hơn, đó là thí sinh từ chối nhập học do vấn đề học phí. Kinh tế ngày càng khó khăn, việc làm của phụ huynh bấp bênh, thu nhập sụt giảm trong khi cơ chế tự chủ đại học khiến học phí thì tăng cao khiến nhiều thí sinh từ bỏ con đường học đại học.

"Ban đầu bố mẹ động viên em cứ ghi nguyện vọng vào ĐH Y vì đó là ước mơ từ nhỏ của em. Tuy nhiên khi trúng tuyển, nhìn số tiền học phí phải đóng quá lớn, số năm theo học quá dài và soi vào kinh tế của gia đình, em đành ngậm ngùi chờ xét tuyển bổ sung ngành khác với thời gian học ngắn và phí thấp hơn. Không ít bạn em cũng rơi vào tình cảnh như vậy", thí sinh Nguyễn Mạnh Hùng, tỉnh Nam Định chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề tài chính, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, chi phí học tập là một trong những yếu tố quan trọng khi học đại học nhưng thí sinh đừng để tài chính hạn chế đam mê. Hiện có nhiều kênh hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT; các nhà trường cũng có đa dạng chương trình học bổng và chính sách tài chính; do vậy chỉ cần thí sinh có đủ đam mê, đủ quyết tâm thì giảng đường đại học luôn rộng mở.

Hiện, hàng trăm trường đại học trên cả nước đã thông báo xét tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu. Bộ GD&ĐT quy định: Từ ngày 9/9 đến tháng 12/2023, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh các đợt bổ sung (nếu còn chỉ tiêu). Cơ sở đào tạo phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh năm 2023 trên hệ thống trước ngày 31/12.

Tác giả: Nam Du

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP