Trong 19 năm qua trên địa bàn Cần Thơ đã ghi nhận tới 14 năm mực nước tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu vượt báo động 3. Các đợt triều cường không chỉ gây ngập đô thị mà còn xảy ra sạt lở, sụt lún đê bao, bờ sông, kênh rạch trên địa bàn. Trước những thách thức đặt ra, Cần Thơ đã đề xuất dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố với số vốn hơn 4.500 tỷ đồng. Dự này được xem là sẽ giải quyết vấn đề ngập vùng nội ô thành phố và hướng tới phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đợt triều cường không chỉ gây ngập đô thị mà còn xảy ra sạt lở (ảnh năm 2023) |
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Cần Thơ để thành phố đề xuất dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ.
Báo Cần Thơ chỉ rõ, hàng năm từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch nhiều khu vực ở Cần Thơ bị ngập từ 0,3m - 1,0m, và trong những năm gần đây tình hình ngập diễn biến ngày càng nghiêm trọng với mức độ ngập cao và kéo dài, đặc biệt là khu vực quận Ninh Kiều, Bình Thủy đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội, giao thông, sản xuất nông nghiệp và cảnh quan của thành phố.
Việc triển khai dự án nhằm chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho rằng, dự án sẽ giảm sự tổn thương do ngập lụt, sạt lở, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Cần Thơ.
"Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ có tác dụng lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển bền vững cho thành phố rất cần thiết, cấp bách, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay đang còn tiếp tục diễn biến rất là phức tạp", ông Nguyễn Văn Sử nói.
Dự án có tổng kinh phí dự kiến hơn 4.500 tỷ
Cần Thơ cũng đang thực hiện dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị để kiểm soát ngập trên 2.657ha vùng lõi quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Hiện tại, dự án đang dần hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cần Thơ dự án này chỉ đạt khoảng 14,99% so với diện tích vùng trung tâm của Cần Thơ khoảng 17.724 ha theo “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ” đã được phê duyệt.
Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ với tổng kinh phí dự kiến hơn 4.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và thời gian thực hiện từ năm 2024 – 2030 và dự án có diện tích chống ngập khoảng 2.770 ha.
Hàng năm từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch nhiều khu vực ở Cần Thơ bị ngập từ 0,3m - 1,0m (ảnh năm 2023) |
Về góc độ nghiên cứu, ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, ngoài những thách thức về ngập lụt thì Cần Thơ đang đối mặt với sạt lở bởi nhiều tác động gây ra. Với đề xuất dự án của Cần Thơ là phù hợp và cấp bách hiện nay để bảo vệ vùng đô thị của thành phố và bảo vệ các công trình, nhà máy, khu công nghiệp.
Phân tích của ông Hùng cũng chỉ rõ, để giảm ngập cho Cần Thơ và bổ sung nước cho vùng Kiên Giang và Hậu Giang trong mùa khô thì cần thiết đầu tư thêm các cống âu thuyền các tuyến kênh trục nối với sông Hậu. Nếu chúng ta vận hành linh hoạt, kiểm soát vòng ngoài và đầu tư hoàn chỉnh sẽ tạo ra động lực và không gian phát triển cho Cần Thơ và lan tỏa đến các địa phương trong vùng ĐBSCL.
"Bối cảnh biến đổi khí hậu, sụt lún, phát triển ở thượng nguồn kiểm soát nguồn nước thì việc mà xây dựng các cống dọc trục sông Hậu rõ ràng đây là đầu tư trong tương lai mà định hướng lớn trong quy hoạch của Bộ cũng như của Chính phủ đã phê duyệt. Đây là một đầu tư không hối tiếc và mình sẽ kiểm soát được nguồn nước, đảm bảo được an ninh nguồn nước và đồng thời cũng giảm các yếu tố về thiên tai", ông Nguyễn Nghĩa Hùng cho biết.
Dự án lan tỏa đến các địa phương trong vùng ĐBSCL
Theo Cục trưởng Cục Thủy lợi, về góc độ quy hoạch như đề xuất của Cần Thơ thì dự án sẽ làm các cống dọc sông Hậu, khi các cống được làm xong sẽ tiếp nước và chuyển nước cho các địa phương thiếu nước cục bộ vào mùa khô như Kiên Giang và Cà Mau.
Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi nêu quan điểm: "Cần Thơ hiện nay, chúng ta đề xuất âu Bình Thủy và bổ sung thêm Trà Nóc và trong tương lai chắc chắn có Ô Môn. Đó là các giả thuyết tức là bằng 17.700 ha nhưng có chia giai đoạn, chia hạng mục để chúng ta đầu tư phù hợp với trước mắt và lâu dài. Thứ hai nữa đứng ở góc độ quy hoạch với nhiệm vụ như vậy không chỉ giải quyết cho Cần Thơ, kết hợp làm các cống dọc sông Hậu cũng là vấn đề tiếp nước và chuyển nước cho các vùng hạ lưu ở Tây sông Hậu, vùng Kiên Giang, Hậu Giang và Cà Mau, rất là thiếu nước mùa khô".
Cống âu thuyền tại Cần Thơ |
Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ dựa trên nghiên cứu trước đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố Cần Thơ đã được phê duyệt. Vì vậy, Cần Thơ rất mong muốn Bộ Nông nghiệp ủng hộ cho thành phố thực hiện dự án này với đa mục tiêu.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, nếu chỉ đầu tư dự án chống ngập thì chưa có thích ứng với điều kiện thực tiễn hiện nay của Cần Thơ trước tác động của biến đổi khí hậu, sạt lở. Đồng thời, ngoài dự án của Cần Thơ đề xuất thì thành phố cũng thống nhất mở rộng phạm vi dự án để chỉnh trang đô thị, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
"Chúng tôi kết hợp chỉnh trang đô thị, nếu không chúng ta lại có những đô thị rất là nhếch nhác. Mình được cái cống âu thuyền bên ngoài rất đẹp nhưng mà sau cái cống đó lại nhếch nhác thì nó lại không được, không đồng bộ. Cho nên là mong bộ ủng hộ cho Cần Thơ thực hiện đa mục tiêu dự án này", ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chỉ rõ vấn đề ngập lụt của Cần Thơ, trong đó có 5 nguyên nhân được đưa ra và vấn đề đáng quan ngại nhất là triều cường và mưa. Thống kê cho thấy, trong những năm qua triều cường của Cần Thơ luôn vượt báo động 3, và xu thế này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi nước biển dâng, sụt lún đang nghiêm trọng hơn so với kịch bản cao nhất của biến đổi khí hậu đã đưa ra trước đó.
Triều cường và mưa là thách thức lớn mà Cần Thơ phải đối mặt (ảnh năm 2023) |
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, dự án của Cần Thơ phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu và Bộ NN ủng hộ dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của Cần Thơ. Dự án là hoàn toàn đúng, hợp lý và phù hợp với các quy định hiện tại, nếu như Chính phủ ủng hộ để triển khai thì vùng lõi Ninh Kiều và Bình Thủy sẽ được bảo vệ tuyệt đối về mưa lũ, triều cường, sụt lún và ngập lụt.
"Đề xuất này nếu mà Chính phủ triển khai thì chúng ta sẽ có một cái tiếp theo nữa vùng lõi Ninh Kiều và dự án tiếp theo của dự án này là Bình Thủy sẽ bảo vệ tuyệt đối ngập lụt do mưa lũ, triều cường, sụt lún chúng ta đều bảo vệ được. Đồng thời cùng với đó các dự án chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị để phòng chống sạt lở, di dân, như vậy là có một dự án tổng thể, phải khẳng định như thế chứ không chỉ có đảm bảo về ngập lụt", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.
Thực trạng thấy rõ hiện nay là Cần Thơ đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu khi xảy ra ngập lụt với cường độ ngày càng nhiều, sạt lở gia tăng, triều cường dâng cao, sụt lún đất. Những thách thức trên đã và đang tác động đến kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư của Cần Thơ. Vì vậy, dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Dự án sẽ phát triển đô thị bền vững, giảm ngập lụt, sạt lở, sụt lún và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển bền vững cho Cần Thơ.
Tác giả: Phạm Hải
Nguồn tin: Báo VOV