Bạn cần biết

Trẻ chậm nói có thể là dấu hiện của chứng rối loạn học tập

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), gần đây đã ghi nhận nhiều ca rối loạn học tập vào viện thăm khám. Đáng chú ý, bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn và có thêm biểu hiện của những rối loạn tâm thần khác.

Lưu ý nếu trẻ chậm nói ở tuổi mầm non

Các bác sĩ cho biết, rối loạn học tập ghi nhận ở lứa tuổi trẻ em, nhưng có thể kéo dài đến tuổi vị thành niên và có trường hợp là tuổi trưởng thành. Rối loạn học tập khác với tình trạng khuyết tật trí tuệ hay tự kỷ và cần có can thiệp điều trị sớm để tránh phát sinh thêm các rối loạn khác.

Đến nay, rối loạn học tập của trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần đã lên tiếng cảnh báo khi tiếp nhận nhiều trường hợp đã mắc rối loạn học tập trong thời gian gần đây.

Các bác sĩ Viện sức khỏe tâm thần chia sẻ về tình trạng rối loạn học tập ở trẻ em

BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi - thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết trong rối loạn học tập, thì rối loạn đọc phổ biến nhất, chiếm 80% những người được xác định có khuyết tật học tập, với tỷ lệ khoảng 10-36% trẻ tuổi đi học, 3-12% dân số, thường ở bé trai. Ngoài ra còn có rối loạn tính toán thường xảy ra ở 5-8% trẻ; 53% trẻ em bị khuyết tật đọc cũng bị khuyết tật toán học; 46% trẻ em bị khuyết tật toán học cũng bị khuyết tật về đọc.

Theo các bác sĩ, hiện chưa có thuốc nào được phê duyệt để điều trị rối loạn này. Phương pháp điều trị là sử dụng các biện pháp liệu pháp nhận thức - hành vi; tâm lý động; nhận thức phân tích; nghệ thuật; kịch; âm nhạc; liệu pháp gia đình - hệ thống…

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên quan tâm và theo sát con khi con bắt đầu đi học để sớm phát hiện những bất thường của trẻ (nếu có) và đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên môn để thăm khám và điều trị kịp thời. Tùy vào từng loại rối loạn, sẽ có phương pháp điều trị cụ thể.

“Dấu hiệu nghi ngờ có thể rối loạn học tập như, khi đi học mầm non trẻ sẽ có các dấu hiệu như nói muộn, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái. Tới độ tuổi tiểu học trẻ sẽ có những vấn đề kiến thức kém về chữ cái, kỹ năng ghép vần hoặc âm vị kém. Ở độ tuổi trung học, trẻ sẽ gặp các vấn đề khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt; từ vựng về hình ảnh ít; diễn đạt kém… hoặc trẻ chậm tính toán, khó nắm bắt quy tắc Toán học, khả năng Toán học thấp dưới mức kỳ vọng với lứa tuổi…”, bác sĩ Yến khuyến cáo.

Phát hiện và điều trị sớm

Viện Sức khỏe tâm thần mới đây tiếp nhận bệnh nhi 14 tuổi, học sinh lớp 9, với chẩn đoán mắc chứng rối loạn học tập. Khai thác lịch sử dịch tễ, các bác sĩ cho biết, từ tiểu học, bệnh nhi đã gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ, khó có thể nói một câu rành mạch, không hiểu nội dung của câu chữ… Lên cấp 2, dù có thể đọc hiểu, nhưng vốn từ của bệnh nhi rất ít, khó viết được một đoạn văn liền mạch. Đến khi lên lớp 9, bệnh nhi chuyển sang trương mới, thường xuyên bị các bạn trêu chọc vì cách nói chuyện, khiến em ngày càng ít giao tiếp.

Ngoài ra, bệnh nhi còn có biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung, dễ nổi nóng, cáu gắt, cãi lại lời bố mẹ, có các hành vi như xoa đầu, giật tóc các bạn cùng lớp.

Sau 10 ngày được điều trị bằng liệu pháp can thiệp tâm lý và hóa dược, các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt, buồn chán đã thuyên giảm. Bệnh nhi đã được xuất viện và được tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng Phòng Tâm thần Nhi, Viện Sức khoẻ tâm thần, trẻ có rối loạn học tập vẫn được chẩn đoán ít, bởi nhiều cha mẹ quan niệm rồi khi lớn trẻ sẽ hết... Nhiều cha mẹ chưa hiểu và biết đến triệu chứng rối loạn học tập nên nhận biết về căn bệnh này còn rất ít.

Rối loạn học tập là rối loạn phát triển, có nhiều nguyên nhân, cả di truyền và môi trường. Quá trình điều trị cần hỗ trợ liên tục, kéo dài, phối hợp giữa bác sĩ tâm thần, điều trị viên, chuyên gia tâm lý, nhà ngôn ngữ, giáo dục…

Tác giả: Thiên Bình

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP