Tin địa phương

Trạm BOT T1: Xem xét giảm phí cho 722 xe trước Tết Nguyên đán 2018

Ngày 30/1, tại UBND quận Ô Môn, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Đối tác công tư (PPP) thuộc Bộ GTVT, Sở GTVT Cần Thơ, nhà đầu tư và chính quyền quận Ô Môn tổ chức buổi họp với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn về mức giảm phí tại trạm thu phí BOT T1.

Trạm thu phí BOT T1.

Ông Lê Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ thông tin về đề xuất mức giảm cho 722 phương tiện thuộc 3 phường Phước Thới, Châu Văn Liêm và Thới Hòa (quận Ô Môn).

Cụ thể, giảm 100% cho 10 xe đã được Bộ GTVT chấp thuận tại văn bản số 9849/BGTVT-ĐTCT ngày 29/8/2017; giảm 100% cho xe buýt; giảm 100% cho xe không kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú, tổ chức có trụ sở tại các khu vực Bình Lập, Thới Trinh thuộc phường Phước Thới, khu vực 12 và khu vực 15 thuộc phường Châu Văn Liêm.

Giảm 50% cho xe không kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú tại các phường Phước Thới, Thới Hòa và Châu Văn Liêm (không bao gồm các đối tượng ở trên).

Giảm 30% cho xe kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú và tổ chức có trụ sở tại 3 phường Phước Thới, Thới Hòa và Châu Văn Liêm (không bao gồm các đối tượng nêu trên).

Theo ông Dũng, danh sách này sẽ được phân loại, tổng hợp rồi gửi lên Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT xem xét phê duyệt. Trước đó, trên địa bàn đã có 108 xe được giảm.

Ông Võ Huỳnh Phong (phường Châu Văn Liêm) kiến nghị trạm nên giảm cho xe trong phạm vi bán kính 5km theo quy định. “Chúng tôi hàng ngày đưa đón con đi học, mỗi lần qua trạm phải đóng 70.000 đồng, kiểu này ai dám cho con lên Cần Thơ học nữa” – ông Phong nói, đồng thời thắc mắc vì sao trong cùng địa bàn lại có người đã được giảm, có người thì không, đây là lần thứ 3 ông tham gia họp và nêu ý kiến này.

Người dân và doanh nghiệp cho rằng việc xem xét miễn giảm tại trạm BOT T1 là quá lâu so với các trạm khác, trong khi người dân hàng ngày phải đóng phí khi qua trạm, thắc mắc cũng không biết gõ cửa ở đâu nên mới chọn cách cho xe đến trạm để phản ánh và nêu ý kiến…

Tại buổi họp, ông Tăng Bá Viết – Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ) cho biết dự án nâng cấp quốc lộ 91 trước đây có thời gian thu phí hơn 23 năm, nay áp dụng mức giảm như trên có thể kéo dài thời gian thu phí lên gần 31 năm. Do vậy, việc tính toán giảm theo ưu tiên thứ bậc, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tài chính, nếu không sẽ dẫn đến nợ xấu.

Ông Vũ Tuấn Anh – Phó vụ trưởng Vụ PPP cho rằng quy định về cự ly áp dụng giảm phí BOT vẫn chưa rõ ràng nên việc triển khai gặp vướng mắc, trên thực tế khó áp dụng cứng nhắc theo bán kính vòng tròn 5km mà cần dựa theo địa giới hành chính. Tuy nhiên, việc giảm giá làm sao cũng phải đảm bảo phương án tài chính, hài hòa lợi ích.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì cuộc họp.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết các ý kiến tâm huyết và xác đáng của người dân sẽ được tiếp thu và ghi nhận, đồng thời đề nghị nhà đầu tư xem xét thực hiện ngay đối với những đối tượng được giảm 100%, còn những trường hợp khác trong tuần này sẽ trình Bộ GTVT có văn bản cụ thể, cố gắng thực hiện xong trước tết cho bà con.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khang – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang cho biết nếu Bộ GTVT có văn bản ngay trong ngày mai (31/1) thì mới tiến hành các thủ tục, in vé và thực hiện kịp trước tết, riêng các xe được giảm 100% thì nhà đầu tư sẽ chủ động giải quyết trước.

Ông Nguyễn Văn Khang – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang phát biểu tại cuộc họp.

Cũng theo ông Khang, dự án nâng cấp quốc lộ 91 đã nhận được sự đồng thuận và phối hợp rất tốt của chính quyền và người dân địa phương, có người chưa nhận tiền đã bàn giao mặt bằng, tiến độ thực hiện cũng rất nhanh…

Tác giả: CẢNH KỲ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP