Xã hội

TP HCM nắng như đổ lửa

Nắng nóng sẽ kéo dài đến cuối tháng 3 và từ đầu tháng 4 trở đi, Nam Bộ sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một đợt nắng nóng mới

Trưa đến chiều 26-3, nhiều người dân TP HCM có cảm giác khó chịu. Anh Nguyễn Văn Tài, ngụ quận 3, cho biết anh chạy xe máy hơn 5 km về Bến xe Miền Đông lấy đồ mà thấy rất mệt bởi nắng nóng hầm hập, ngồi lên xe như muốn phỏng da, nón bảo hiểm tỏa nhiệt rất khó chịu. Dọc các tuyến đường, những nơi có cây xanh được nhiều người tận dụng làm chỗ tránh nắng.

Hội tụ của 2 hình thế thời tiết

Trang web về thời tiết WeatherOnline thông tin chỉ số tia cực tím (UV) ở TP HCM ngày 26-3 lên đến 12 (mức cao nhất theo thang của Tổ chức Y tế thế giới - WHO là 11+). Điều đáng lo ngại là chỉ số tia UV được dự báo là tiếp tục vượt ngưỡng trong hôm nay (27-3) trước khi giảm xuống mức 10 và 9 trong các ngày tiếp theo.

ThS Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, cho biết nguyên nhân của nắng nóng trong những ngày này là do hội tụ của 2 hình thế thời tiết. Thứ nhất là ở trên tầng cao có áp cao cận nhiệt đới trường phân kỳ hoạt động mạnh vào mùa khô ở Nam Bộ. Thứ hai là áp thấp nóng phía Tây mở rộng về phía Đông Nam. Mặt khác, nắng nóng thường kèm tia cực tím luôn ở mức cao khiến người đi đường cảm thấy khó chịu khi ở ngoài trời lâu.

Theo ông Quyết, chỉ số tia cực tím phụ thuộc vào độ cao mặt trời, tức là vị trí giữa mặt trời và trái đất mà gần nhau thì cường độ nắng nóng mạnh kèm theo tia cực tím cao. Bên cạnh đó, tầng ozone ngày càng mỏng, không đủ để ngăn tia cực tím cũng là nguyên nhân khiến chỉ số tia cực tím cao.

Về thời tiết trong những ngày tới, ông Quyết cho biết nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 3, sau đó nhiệt độ giảm xuống từ 1-2 ngày, chỉ còn nắng nóng cục bộ ở một số nơi. Từ đầu tháng 4 trở đi, Nam Bộ sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một đợt nắng nóng mới.

Nắng nóng và kẹt xe khiến nhiều người dân TP HCM mệt mỏi. Ảnh: Hoàng Triều

Bỏng da, sạm da, ung thư da...

Nắng nóng, chỉ số tia cực tím cao từ lâu đã được các chuyên gia khuyến cáo rằng sẽ gây vô số tác hại cho cơ thể nếu không có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Theo TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM, tiếp xúc với ánh nắng có tia cực tím cao có thể gây nhiều tác hại cho làn da, bao gồm cả tác hại tức thời và tác hại tích lũy. Tác hại tức thời có thể kể đến tình trạng bỏng da, sạm da; tác hại tích lũy là tình trạng lão hóa da sớm và cả ung thư da. Nguy cơ tăng cao khi tiếp xúc càng nhiều, thiếu các biện pháp bảo vệ da.

Theo cảnh báo về tia cực tím được WHO công bố, các yếu tố môi trường ảnh hưởng nhiều đến mức độ bức xạ tia cực tím mà chúng ta phải nhận: Thời gian trong ngày, độ cao của vùng sinh sống (mỗi 1.000 m độ cao tăng thêm thì mức tia cực tím tăng 10%-12%), vĩ độ nơi sống (càng gần xích đạo, tia cực tím càng cao), lượng mây (tia cực tím cao nhất dưới trời không mây).

Nguy cơ con người bị ảnh hưởng bức xạ tia cực tím ngày càng cao trong điều kiện tầng ozone đang mỏng dần bởi đây là tấm khiên giúp ngăn chặn tia cực tím bớt chạm tới bề mặt trái đất. Các mô hình tính toán dự đoán rằng chỉ cần mức ozone trong tầng bình lưu giảm 10%, toàn thế giới sẽ có thêm khoảng 300.000 ca ung thư da không melanoma, 4.500 ca ung thư da melanoma và 1,6-1,75 triệu ca đục thủy tinh thể mỗi năm.

Cách thức chống lại bức xạ tia cực tím được WHO khuyến cáo hàng đầu là tránh thời gian tia cực tím mạnh nhất trong ngày là từ 10 giờ đến 16 giờ. Tiếp theo, tận dụng tối đa các bóng râm nhưng nên nhớ một chiếc dù hay tán cây không phải dạng bóng râm cung cấp khả năng chống nắng hoàn toàn. Ngoài ra, nên sử dụng một nón rộng vành, mặc quần áo mà các sợi vải được dệt chặt chẽ nhưng rộng rãi và thông thoáng. Kính mát bảo vệ mắt rất tốt. Ngoài ra, nên bôi kem chống nắng có chỉ số SPS 15 trở lên và bôi lại sau mỗi 2 giờ, sau khi bơi lội hoặc tập thể dục.

Cẩn trọng với say nắng

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, cảnh báo một tình trạng nguy hiểm khác khi trời nắng nóng. Đó là say nắng. Chưa cần bàn tới những thông số về tia cực tím, chỉ cần cảm thấy nóng nực, nắng gắt đến khó chịu là đủ có nguy cơ. Đó có thể là những biểu hiện nhẹ như tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp, đánh trống ngực; nặng hơn như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, chuột rút, khó thở. Không nên coi thường say nắng và nên đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu nặng, nếu bị nhẹ cũng phải nhanh chóng tìm nơi bóng râm, nghỉ ngơi, uống bù nước.

Với nhóm đối tượng nguy cơ, như người lớn tuổi, có bệnh lý tim mạch (cao huyết áp, thiếu máu cơ tim...), bệnh lý nội tiết (tiểu đường, cường giáp...), nhất là khi các bệnh lý này không được kiểm soát tốt thì say nắng có thể dẫn đến các biến chứng cực kỳ nguy hiểm như ngất, hôn mê, trụy tim mạch và tử vong.

Tác giả: Sỹ Đông - Anh Thư

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

  Từ khóa: thời tiết , nắng nóng , tp hcm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP